Tháo nút thắt đền bù và quyết tâm về đích đúng hạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, là công tác an sinh xã hội. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra với quyết tâm cao độ của các quận huyện để đẩy nhanh tiến độ phần việc quan trọng này.

“Chìa khóa” là hệ số đền bù

Nguyện vọng của người dân sống tại các chung cư cũ là được tái định cư tại chỗ, được sống ở không gian tiện nghi hơn, nhưng bài toán cải tạo nhiều khu tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng hơn chục năm qua vẫn chưa có lời giải. Nguyên nhân chính là do bất đồng trong hệ số đền bù giữa người dân và chủ đầu tư.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân

Nghị định số 69/2021/NĐ-CP (NĐ69) về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9-2021 được coi là “chìa khóa” tạo đột phá trong cải tạo chung cư cũ khi đã phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia. Vậy câu hỏi nhiều người quan tâm nhất về vấn đề bồi thường sẽ được trả lời ra sao.

Theo NĐ69, đối với các chủ sở hữu tầng 1 có một phần diện tích nhà đang kinh doanh thương mại, sau khi cải tạo sẽ được tạo điều kiện để mua hoặc thuê lại để tiếp tục kinh doanh. Quy định này đã giúp giải tỏa được nhiều lo lắng lâu nay của không ít người dân rằng sẽ mất kế sinh nhai khi khu tập thể được cải tạo lại. Những hộ gia đình đông người thì mong mỏi lớn nhất là phần diện tích được đền bù sau khi khu tập thể được cải tạo ở mức hệ số K=2 (tức gấp 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ), bởi như vậy mới có thể đảm bảo cuộc sống cho những hộ gia đình đông người.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, nhìn chung NĐ69 cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ trước đây. Do nghị định không có thông tư hướng dẫn nên quan điểm là quá trình triển khai vướng đâu, gỡ đó. “Nhà nước đã cố gắng mở hết cửa, cái gì ưu đãi được là cho hưởng ưu đãi. Ngoài ra, thực hiện trong giai đoạn này, nhà đầu tư còn được hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là cơ hội triển khai vô cùng thuận lợi. Hy vọng rằng 1 năm sau sẽ có một số dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội được triển khai, góp phần tạo diện mạo đô thị, khu dân cư khang trang, sạch đẹp hơn” - ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng phân tích thêm, các quận huyện cần phối hợp với thành phố trong việc tổ chức kiểm định nhanh các nhà chung cư. Tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nắm được yêu cầu cần thiết của công tác cải tạo này, tránh trường hợp không hiểu khiến cho công tác cải tạo bị kéo dài. Các quận huyện có liên quan phải phối hợp với Sở Xây dựng để xác định khu vực nào cần làm trước, khu nào làm sau. Tổ chức xác định lựa chọn chủ đầu tư, xác định triển khai giải phóng mặt bằng…

Quyết tâm của các quận, huyện

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách được Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành ủy, HĐND, UBND TP đặc biệt quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, là công tác an sinh xã hội, trong đó vai trò của các sở, ngành và nhất là vai trò của UBND cấp quận là hết sức quan trọng trong việc quản lý, chỉ đạo thực hiện. Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, để bảo đảm tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch di dời các hộ dân khỏi các đơn nguyên của nhà chung cư nguy hiểm cấp D.

Đồng thời, ngay từ tháng 1-2022, quận đã khảo sát, xác định ranh giới quy hoạch; chuẩn bị xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư để thống nhất phương án cũng như lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng lại các chung cư nguy hiểm này. Nhà tạm cư là vấn đề rất nan giải, đặc biệt khi xây dựng lại đồng bộ một khu chung cư cũ. Về phía quận Ba Đình đã đưa vào tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là phải có nhà tạm cư, ví dụ như các công ty kinh doanh bất động sản có sẵn các chung cư để tạm cư. Ngoài năng lực và kinh nghiệm, nhà đầu tư cũng phải cam kết thời gian người dân quay lại nhà mới tái định cư.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thành phố Hà Nội, ngày 21-1-2022, UBND TP đã tổ chức Hội nghị triển khai đề án và các kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, gồm: Kế hoạch triển khai Nghị định số 69/2021/NĐ-CP; Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đợt 1. Với mục tiêu đến đầu năm 2023, thành phố có thể khởi công 2 - 3 hoặc nhiều hơn dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ,

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu rõ: “Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phải được tiến hành quyết liệt, đúng pháp luật, đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Quá trình triển khai phải có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cũ) phải đi sâu, đi sát, lấy thực tiễn quản lý và tính khả thi trong triển khai làm thước đo chất lượng, hiệu quả công việc...”.