Thanh toán qua thẻ ATM: Người dùng vẫn e dè

ANTĐ - Với hơn 85 triệu thẻ được phát hành, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, lượng khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. 
Thanh toán qua thẻ ATM: Người dùng vẫn e dè ảnh 1

Vẫn ngại thanh toán bằng thẻ

Đánh giá cao sự tiện dụng của việc sử dụng thẻ khi thanh toán, chị Hà Thu Hằng - một giáo viên tiểu học ở cho biết: “Từ khi nhà trường tổ chức trả lương qua thẻ, chỉ cần điện thoại báo là chúng tôi đã biết lương về. Sử dụng thẻ khi thanh toán cũng rất tiện dụng, ví dụ như đi mua hàng tại siêu thị, hay các cửa hàng dịch vụ, không cần phải mang theo tiền mặt. Số lượng điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ cũng ngày một nhiều nên mỗi tháng tôi chỉ phải rút tiền một lần để phục vụ các khoản chi tiêu khác”. 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng với hạ tầng hiện nay, việc sử dụng thẻ cũng chưa thực sự thuận tiện. Chị Hoàng Lan Anh – nhân viên văn phòng cho biết: “Không phải địa điểm nào cũng chấp nhận thanh toán bằng thẻ nên nhiều khi có tiền trong thẻ lại phải tìm cây ATM để rút tiền. Có lúc ATM trục trặc phải đi 3-4 điểm mới rút được. Rút tiền thì hạn mức bị giới hạn, trong khi rút tại ATM nội mạng cũng bị thu phí. Mỗi lần vài nghìn nhưng cộng lại cũng thấy xót”.

Khảo sát tại một số bệnh viện cho thấy, mặc dù áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà vẫn dùng thẻ ra cây ATM rút tiền mặt để nộp viện phí. Trong khi đó, tại chợ Đồng Xuân, chủ một cửa hàng kinh doanh vải cho biết, lượng khách mua hàng nhiều, có cả khách du lịch nước ngoài nên cửa hàng cũng đặt thiết bị chấp nhận thẻ. Mặc dù vậy, khách hàng vẫn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, kể cả khách nước ngoài. 

Theo chia sẻ kinh nghiệm của khách du lịch trên các trang mạng, khi mua hàng tại chợ Đồng Xuân có thể thanh toán bằng tiền đồng, USD hay quẹt thẻ. Tuy nhiên, các du khách rỉ tai nhau nên thanh toán bằng tiền mặt thay vì dùng thẻ bởi có những cửa hàng sẽ trừ thêm 3% phí thanh toán. 

Phó trưởng phòng kinh doanh thẻ của một ngân hàng thương mại cho biết: “Hiện nay khách hàng sử dụng thẻ vẫn chủ yếu để rút tiền, một mặt do tâm lý, thói quen thanh toán, một mặt do số lượng đơn vị chấp nhận thẻ trên tỷ lệ khách hàng còn thấp và chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Khi đi viện, nhiều người vẫn có tâm lý cầm tiền mặt cho yên tâm. Tại các chợ, bà con tiểu thương muốn thu tiền về luôn trong khi thanh toán qua thẻ phải mất ít nhất một ngày tiền mới về tài khoản, chưa kể ngày nghỉ. Bên cạnh đó, tại nhiều địa bàn các chợ còn thiếu về hạ tầng để có thể triển khai thanh toán qua thẻ”.

Nỗ lực giảm bớt giao dịch tiền mặt

Theo Vụ Thanh toán NHNN, tại Việt Nam, trong những năm qua đã có nhiều phương thức thanh toán mới được phổ cập, mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân. Đến cuối tháng 1-2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt mức trên 85,9 triệu thẻ (tăng 30% so với cuối năm 2013), trong đó có 63,5 triệu thẻ đang lưu hành. 

Giao dịch bằng thẻ trong năm 2014 cũng tăng trên 13% về số lượng và 16% về giá trị so với năm 2013. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện chất lượng. Đến cuối tháng 1-2015, trên 16.100 máy ATM và trên 187.200 POS được lắp đặt (tương ứng tăng 6% và 44% so với cuối năm 2013). Trong đó chủ yếu là các giao dịch thanh toán hàng hóa và dịch vụ. 

Đánh giá của các chuyên gia cũng như các tổ chức phát hành thẻ cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Đặc biệt khi NHNN đang nỗ lực giảm bớt các giao dịch tiền mặt. Mục tiêu được NHNN đặt ra là đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có 250.000 điểm chấp nhận thẻ và số lượng giao dịch thực hiện qua thẻ đạt con số 200 triệu lượt. 

Theo số liệu khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, hơn 91% người Việt Nam trả lời có ý định mua sắm trực tuyến.

Đây có thể xem là tín hiệu tốt đối với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ như taxi, siêu thị, nhà hàng, khách sạn... cho tới thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, mua xăng. Ngoài ra, các kênh mua sắm truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ cũng rất tiềm năng. 

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản khuyến khích trả lương qua tài khoản kết hợp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ POS ở các lĩnh vực tiềm năng như bệnh viện, trường học, dịch vụ công, chợ đầu mối, hộ tiểu thương... Đồng thời yêu cầu các đơn vị chấp nhận thẻ niêm yết công khai và nghiêm túc thực hiện cam kết chấp nhận thanh toán tất cả các loại thẻ và không thu phụ phí của khách hàng khi thanh toán bằng thẻ.