Thanh thiếu niên vi phạm pháp luật - lời cảnh tỉnh cho mỗi gia đình và xã hội: ‘Nổi loạn’ kiểu… phong trào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những “quái xế” ở độ tuổi học sinh cấp II, III mang hung khí đuổi đánh nhau trên đường hiện là tình trạng đáng báo động. Mang tính chất bột phát, có sự tham gia của nhóm nhỏ nhưng những thanh thiếu niên này đang tự biến mình trở thành tội phạm đường phố, gây nhiều nỗi lo, bức xúc trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Từ những hành vi ngổ ngáo của người trẻ đã dẫn đến manh động rồi trở thành tội phạm.

Những “hung thần đường phố”

Mới đây nhất, vào tháng 10-2023, một nhóm thanh thiếu niên mang hung khí, phóng xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây rối trật tự công cộng trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên đã bị cơ quan Công an bắt giữ. Theo đó, tối 10-9-2023, N.V.A. (15 tuổi, ở quận Long Biên) rủ nhóm bạn đi “diễu phố” bằng xe máy. Nhóm đối tượng ở độ tuổi từ 15-17 tuổi đã tụ tập, vừa đi vừa vác dao, kiếm lên vai, điều khiển xe tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách trên các tuyến đường ở quận Long Biên.

Tại đường Ngô Gia Tự, nhóm của A. gặp 2 thanh niên đang chở nhau, người ngồi sau cầm kiếm. A. “tuyển” luôn 2 thanh niên này vào nhóm. Mục đích đi “diễu phố” là tìm gặp các nhóm tương tự để gây sự. Do không tìm được nhóm đối thủ nào, A. và đồng bọn đã quay lại clip của nhóm đi “diễu phố” rồi đăng lên mạng xã hội. Điều đáng nói, trong nhóm của A. còn có một thiếu niên mất một tay nhưng vẫn lái xe bốc đầu, lạng lách.

Những “hung thần” đường phố gieo rắc nỗi khiếp sợ trong đêm

Những “hung thần” đường phố gieo rắc nỗi khiếp sợ trong đêm

Liên quan đến hành vi “vác” dao phóng lợn, truy đuổi nhau trên đường của các thanh thiếu niên gây bức xúc dư luận, đây không chỉ là những hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn gây nguy hiểm cho chính bản thân các em lứa tuổi vị thành niên. Trong đó các vụ việc thương tâm xuất phát từ sự “nổi loạn”, giương oai máu “yêng hùng” của các thanh thiếu niên, có những vụ án thương tâm, để lại hậu quả đau lòng, thậm chí tử vong trên đường đi “diễu phố” do mất lái. Hay như nhóm 11 đối tượng khác cũng mới bị CAQ Hoàng Mai bắt giữ về hành vi gây rối trật tự cộng cộng.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, do mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội nên đã liên hệ với các nhóm để đi trả thù. Vào tối 30-10-2023, cả nhóm với khoảng 10 xe máy nhãn hiệu Wave, Vision, SH đèo 2, chở 3, mang theo hung khí gặp nhóm đối thủ để trả thù. Khi đến địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai thì gặp một nhóm khác và bị nhóm này tấn công bằng việc dùng chai thủy tinh chứa xăng và phóng lợn đuổi, đánh áp đảo nên đã bỏ chạy... Nhưng khi hỏi 9 trong 11 đối tượng thì câu trả lời là “thích thì đi thôi’.

Những mâu thuẫn rất… “trời ơi”

Qua đánh giá, phân loại, trong các vụ gây rối trật tự công cộng cho thấy, số đối tượng là học sinh, sinh viên chiếm hơn 76%. Có vụ, học sinh vẫn mặc nguyên quần áo đồng phục của trường đi “gây chiến” và bị lực lượng công an bắt giữ. Trong các vụ việc gây rối trật tự công cộng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự cho thấy, các đối tượng đều có mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, sau đó đã nhắn tin chửi bới thách thức nhau. Thậm chí có những vụ bắt nguồn từ nguyên nhân rất “trời ơi” là mâu thuẫn của 2 cô bạn gái mới quen của 2 đối tượng cầm đầu chửi nhau trên mạng hay chỉ là đi đường, “ngứa mắt” là “choảng nhau”.

Phân tích các đặc điểm thường thấy ở loại tội phạm này, Trung tá Ngô Văn Điển, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, CAQ Long Biên chia sẻ: “Tuýp sắt gắn dao nhọn là loại hung khí nguy hiểm đang được các nhóm đối tượng sử dụng khá phổ biến. Nhiều đối tượng khai nhận, đã tự mua tuýp sắt, dao nhọn sau đó chế thành cây phóng… Đây là loại hung khí cực kỳ nguy hiểm nhưng các đối tượng không nhận thức được điều này mà lại coi việc vác theo cây phóng, tuýp sắt để ra oai với đối thủ… Thậm chí còn kéo lê hung khí này dưới mặt đường để phát ra âm thanh và tia lửa, gây mất an ninh, trật tự”.

Thời gian qua, Công an Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện nhiều chuyên đề về “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố”… Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng các đối tượng thanh thiếu niên từ địa bàn các tỉnh khác về Hà Nội hoạt động diễn biến phức tạp. Do đó, nhiều giải pháp đang được lực lượng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội triển khai và sẽ tập trung xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm tạo tính răn đe…

Thanh thiếu niên vi phạm pháp luật - đây là một vấn đề đau lòng không chỉ đối với các gia đình có con em vi phạm pháp luật, mà cũng là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Không lường trước những hậu quả mà mình gây ra, các thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đã phải hối hận trong muộn màng. Nhưng đứng ở một góc độ khác để nhìn nhận thì trẻ vị thành niên phạm tội vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương. Các em cũng chính là nạn nhân từ sự thiếu quan tâm, giáo dục không đúng cách từ gia đình và xã hội.

Con trẻ phạm tội: Lỗi tại ai và do đâu?

Ổ nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đều có tuổi đời còn rất trẻ

Ổ nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đều có tuổi đời còn rất trẻ

Vác dao “diễu phố” trở thành “trào lưu” xấu

Làm việc với điều tra viên của CAQ Long Biên, cháu V.V.H vừa bước qua tuổi 15 cảm thấy hối hận khi đã rủ bạn bè và cả các em nhỏ tuổi hơn mình vác dao, kiếm đi diễu phố. Trong nhóm của H. còn có cả một bé gái mới 13 tuổi. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, khi phóng viên hỏi vì sao các cháu đi diễu phố từ lúc chiều tối đến 12h đêm mà bố mẹ các cháu không hề hay biết? H. kể: “Bọn cháu đi “diễu” 2 lượt mỗi đêm. Lần 1 lúc 19h-21h. Đó là giờ bọn cháu đi học thêm. Cháu dắt xe đi như bình thường nhưng không đến lớp học thêm. Hết giờ chúng cháu về nhà, đợi bố mẹ đi ngủ thì 12h đêm chúng cháu lại lấy xe đi tiếp”.

Tụ tập, dùng hung khí đe dọa người đi đường, hẹn nhau “xử lý” mâu thuẫn trên mạng xã hội của các đối tượng còn trong độ tuổi vị thành niên… là vấn đề khiến dư luận không khỏi lo lắng trong thời gian gần đây. Các vụ án do các đối tượng trong lứa tuổi chưa thành niên gây ra đều là tự phát, chưa phát hiện các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự do người chưa thành niên cầm đầu.

Theo CATP Hà Nội, thời gian qua, tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động, nguy hiểm khiến dư luận không khỏi lo lắng. Hầu hết các đối tượng đều có tuổi đời rất trẻ, dưới 18 tuổi nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, mạng xã hội phát triển các em dễ bị cuốn theo các trào lưu trên các trang mạng nên thích thể hiện bản thân thông qua các hành vi gây rối trật tự công cộng…

Hồi chuông cảnh báo

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng Công an xác định đa số các vụ gây rối trật tự công cộng có nhiều đối tượng, sử dụng hung khí xảy ra đều xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát, mâu thuẫn thù tức cá nhân giữa các đối tượng. Phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội thách thức, tụ tập bạn bè để trả thù với số lượng đông, điều khiển xe máy mang theo các loại hung khí, hò hét, rú ga, bấm còi inh ỏi, gây mất trật tự công cộng trên đường phố. Khi gặp đối phương, các đối tượng dùng hung khí hỗn chiến làm nhiều đối tượng và thậm chí cả người dân đi ngang qua cũng bị thương.

Tình trạng phạm tội trong thanh, thiếu niên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang, lo lắng cho người dân, đã gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chung tay phòng ngừa, góp phần đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi này. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định, nguyên nhân của các vụ việc nói trên là do sự phát triển và ngày càng phổ biến của Internet, mạng xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội; cùng với đó công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục thế hệ trẻ, thanh thiếu niên trong gia đình, nhà trường, xã hội còn nhiều khó khăn. “Bên cạnh đó, là thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân, đặc biệt các em có hoàn cảnh éo le như bố mẹ ly hôn, thiếu sự giáo dục, quản lý chặt chẽ từ gia đình. Hoặc do gia đình bố mẹ giao phương tiện giao thông là xe máy cho các con khi chưa đủ điều kiện dẫn tới việc thanh thiếu niên sử dụng xe máy lạng lách đánh võng” - chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình đánh giá.

Ngoài ra, các trang web có nội dung bạo lực, đồi trụy chưa được kiểm soát chặt chẽ; sống trong môi trường thiếu lành mạnh bị sự tác động lôi kéo, dụ dỗ của bạn bè xấu và bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi, thích hưởng thụ, đua đòi dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Trong khi đó, đặc điểm lứa tuổi thanh thiếu niên là thiếu hiểu biết về pháp luật, không được trang bị những kiến thức cơ bản và cần thiết nên khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, còn lúng túng tìm hướng giải quyết, bế tắc và thiếu trách nhiệm với bản thân dẫn đến những quyết định sai lầm gây hậu quả đáng tiếc.

Buông lỏng giáo dục từ gia đình

Bị tạm giữ tại CAQ Long Biên về hành vi gây rối trật tự công cộng, em N.V.N ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình: “Cháu ngồi đây là ngày thứ 8 rồi mà bố mẹ cháu vẫn chưa lên gặp cháu. Mỗi ngày bố cháu chỉ về nhà 15 phút xem cháu ở nhà không thôi, xong bố cháu lại đi, đến cả khi cháu bị lên Công an như thế này bố mẹ cũng không đi cùng cháu. Cháu phải đi cùng bạn...”. Những lời tự sự đẫm nước mắt của cậu bé 17 tuổi khiến người lớn nghe cũng cảm thấy có lẽ cần phải nhìn nhận lại bản thân. Ở tuổi đời non trẻ, nhận thức chưa đầy đủ, sự thiếu quan tâm, chăm sóc của gia đình, con trẻ thường dễ bị bạn bè xấu lôi kéo và chịu sự tác động tiêu cực của xã hội. Thực chất, các em đều mong muốn, khát khao được sống trong vòng tay trìu mến của mẹ, sự yêu thương của cha và người thân.

Trước sự bồng bột, nhận thức không đầy đủ về hành vi cá nhân, lại không được quan tâm, chỉ dạy từ gia đình đã khiến nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính, nhưng một số trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng vẫn phải trả giá cho những hành động sai trái của mình và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên lẽ ra các em phải rèn luyện đạo đức, lối sống để trở thành những con người có ích cho xã hội, nhưng chỉ vì bồng bột và thiếu hiểu biết nên các em đã vi phạm pháp luật. Chỉ vì muốn đáp ứng được những nhu cầu cá nhân nên đã có những hành vi trái pháp luật, đi ngược với chuẩn mực xã hội. Các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động, nguy hiểm, khiến dư luận không khỏi lo lắng. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương và gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chung tay phòng ngừa, góp phần đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi này.

Hương Chu