Thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF): Mừng rồi vẫn lo

ANTĐ - Không ai phủ nhận ý tưởng rất tiến bộ thành lập Công ty VPF do các ông bầu đưa ra trong cuộc họp bàn tổ chức mùa giải mới. Song vẫn với con người ấy, tư duy ấy, liệu hiệu quả mô hình này mang lại có được như kỳ vọng?

Chỉ riêng nỗ lực “bầu” Kiên (phải) hay một vài ông bầu khác chưa đủ đảm bảo VPF

sẽ không rơi vào cảnh “bình mới, rượu cũ”

Niềm tin của người trong cuộc

Đề án thành lập VPF chỉ viết trong 2 giờ đồng hồ song Chủ tịch HN ACB Nguyễn Đức Kiên đã thuyết phục được VFF và 27 ông bầu còn lại. Thậm chí người có công “thai nghén” dự thảo này còn khẳng định: “Cần một tuần để hoàn thiện dự án, một tuần để VFF cùng các CLB thông qua, 2 tuần để trình các Bộ duyệt và cấp phép. Như vậy, thời gian một tháng đủ để thành lập VPF và có thể áp dụng ngay từ mùa giải 2012”. Về phần mình, VFF cũng tuyên bố sẽ thành lập ngay Tổ công tác, làm việc gấp rút để VPF sớm đưa vào thực tế. “Đây là thời cơ lịch sử để bóng đá Việt Nam lột xác và chúng ta không thể chần chừ”, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói. Cộng thêm biểu quyết tán thành của 100% đại biểu sau khi nghe trình bày của “bầu” Kiên, rõ ràng tất cả đều tin tưởng VPF sẽ giúp V-League “lột xác”. Sự bế tắc của BĐVN trong việc tiến lên chuyên nghiệp sau 11 năm nay đã có lời giải và việc VPF từ dự thảo bước ra thực tiễn chỉ trong tương lai gần.

Nói thì dễ…

Cách đây hơn chục năm, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn đã trình một bản đề án tương tự, dựa trên quá trình khảo sát thực tế tại nhiều CLB danh tiếng nước ngoài và sau đó là Phó TTK Dương Nghiệp Khôi cũng có đề xuất tương tự song chẳng thể áp dụng, do không hợp “khẩu vị” VFF. Còn nay, việc VFF chấp nhận bản đề án do “bầu” Kiên soạn thảo, ngoài tính khả thi cao thì không thể phủ nhận có phần nào sức ép trong đó. Sau thời điểm vị chủ tịch HN ACB “đánh bom” cuộc họp tổng kết, VFF mới dần thay đổi cách nhìn với các CLB, cởi mở và cầu thị hơn. Và việc “tự nguyện” chấp nhận gần như ngay lập tức đề án của “bầu” Kiên là điều tất yếu. Chẳng ai phủ nhận tính tích cực của mô hình trên, có điều, kết quả nó mang lại vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Theo bản đề án, Công ty VPF chịu sự ảnh hưởng lớn nhất từ VFF với vai trò cổ đông lớn nhất. Nhưng VFF vẫn những con người ấy, tư duy ấy, liệu những yếu kém vốn tồn tại bao năm qua có được xóa bỏ?  Theo khảo sát của một chuyên gia, số lượng những ông chủ đội bóng thực sự đam mê với bóng đá, quyết theo bóng đá “sạch” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi những ông chủ làm bóng đá vì thành tích địa phương, hay vì thích chơi ngông và chỉ làm bóng đá tùy hứng thích là bỏ… lại chiếm số đông. Thực tế là chẳng có ông bầu nào muốn phá giá nhưng nếu không trả tiền cao, thì chưa chắc có người để đá. Đó là chưa kể đến việc phải “gột sạch” lối tư duy vụ lợi và giáo dục đạo đức, tác phong chuyên nghiệp cho nhiều cầu thủ hiện nay.

Ngay cả “bầu” Kiên khi đưa ra dự thảo cũng phải thừa nhận: “VPF thành hay bại phụ thuộc vào sự tự giác của các thành viên, chủ yếu là các ông chủ đội bóng”. Thực tế là trong cuộc họp vừa qua, cả 28 ông bầu đều hứa hẹn sẽ tuân thủ đúng “giao ước”. Song chẳng ai dám chắc những lời hứa đó sẽ được đảm bảo, đơn giản là chẳng phải ai cũng có thể bỏ qua nhiều lợi ích riêng để hướng đến cái chung - vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nỗi lo “con sâu làm rầu nồi canh” cũng từ đó mà ra.