Thận trọng khi dùng xi-rô ho

ANTĐ - Nhiều người cho rằng, xi-rô ho là dược phẩm vừa nhanh chóng ngắt cơn ho vừa “rất lành” khi sử dụng. Nhưng thực tế, tác dụng phụ của các thành phần chứa trong xi-rô ho lại hết sức nguy hiểm, đe dọa tính mạng người sử dụng.

Gây buồn ngủ, ngạt thở

Cách đây không lâu, một vụ tai nạn xe buýt ở bang Georgia (Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của 1 học sinh nam lớp 11 và làm 13 học sinh khác bị thương nặng. Tại cơ quan điều tra, lái xe (bản thân cũng bị thương ở vùng đầu) thú nhận, nguyên nhân xảy ra vụ việc nghiêm trọng này là do anh điều khiển xe trong tình trạng ngủ gật. Xét nghiệm máu và nước tiểu của lái xe cho kết quả âm tính với rượu và các loại thuốc cấm, tuy nhiên, lại dương tính với chất brompheniramine - một thành phần trong xi-rô ho anh ta uống trước khi đi làm.

Trong một trường hợp khác, một bà mẹ ở bang Massachusetts chỉ vì muốn cậu con trai 6 tuổi đỡ ho về đêm, được ngủ ngon giấc hơn, đã cho con uống xi-rô ho Phénergan với liều lượng gấp ba lần mức cho phép. Đêm đến, cậu bé kêu khó thở, có biểu hiện co giật. Vì phát hiện quá muộn, nên cậu bé đã tử vong sau những ngày nằm điều trị tại bệnh viện. 

Xi-rô ho Phénergan có chứa hoạt chất kháng histamin gây buồn ngủ. Nhưng một số bậc phụ huynh lạm dụng tác dụng phụ gây buồn ngủ nên cho trẻ uống xi-rô loại này giống như thuốc ngủ để trẻ không quấy, không khóc đêm. Theo thông tin y học mới nhất có khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng thuốc trị ho chứa thuốc kháng histamin (như xi-rô Phénergan), vì đối với trẻ quá nhỏ thuốc có thể gây kích động, co giật. 

Trước đó, người ta phát hiện thấy thi thể ca sỹ nhạc rap người Mỹ, Chad Lamont Butler, nghệ danh “Pimp C”, tại một khách sạn ở Hollywood. Theo điều tra, nạn nhân đã uống xi-rô ho quá liều, lại thêm tiền sử bệnh ngưng thở tạm thời. Tác dụng của chất promethazine (chống dị ứng) và codeine (giảm đau) chứa trong xi-rô ho đã khiến thời gian ngừng thở kéo dài, dẫn đến tử vong.

Chad Lamont Butler chỉ là một trong nhiều nạn nhân của việc lạm dụng si-rô ho thay chất kích thích, đang rất phổ biến trong tầng lớp thanh thiếu niên Mỹ, vì xi-rô rẻ và dễ mua hơn các loại thuốc giảm đau hoặc chất gây nghiện.

Mẫu si-rô ho tìm thấy trong cơ thể Chad Lamont Butler là loại “chất gây say” phổ biến ở miền Nam nước Mỹ, đặc biệt là bang Texas. Đây là loại thuốc ho chứa lượng lớn chất codeine, được chỉ định dùng theo đơn, tuy nhiên, vẫn có thể tìm mua tại một số cửa hàng bán chui, hoặc thông qua các đơn thuốc giả.

Nhiều tác dụng phụ

Theo tờ Guardian (Anh), 3 tác dụng phụ phổ biến và gây nguy hiểm nhất của xi-rô ho là: Gây buồn ngủ, gây ngạt nếu dùng quá liều và bị lạm dụng như một chất kích thích.

Các chất như pholcodeine hoặc dextromethorphan trong xi-rô hoặc một vài loại thuốc ho có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, vì thế sau khi uống xi-rô ho, người bệnh nên nghỉ ngơi, đặc biệt không nên lái xe. Một số loại thuốc long đờm chứa ipecacuanha hoặc guaifenesin có thể gây buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi. Các loại thuốc ho chứa thành phần kháng histamine, ảnh hưởng đến hoạt động của mắt, mũi, có thể gây một số tác dụng phụ như buồn ngủ, ảo giác, loạn nhịp tim.

Tác dụng của chất promethazine (chống dị ứng) và codeine (giảm đau) có trong xi-rô ho đã khiến thời gian ngừng thở kéo dài, dẫn đến tử vong. Những thành phần này rất nguy hiểm khi sử dụng quá liều, đặc biệt khi sử dụng với rượu. Chất codeine và promethazine trong xi-rô ho có thể làm ngưng trệ hệ thống hô hấp, tê liệt hệ thần kinh trung ương, gây đau tim hoặc rối loạn tim mạch. Hầu như các trường hợp tử vong, nạn nhân đều chết vì ngạt.

Cục Quản lý Dược - thực phẩm Mỹ (FDA) từng cảnh báo một số thành phần trong xi-rô ho vẫn khiến người bệnh có cảm giác phê và lâng lâng như uống rượu. Nhiều thanh thiếu niên và người nghiện còn lạm dụng xi-rô ho thay chất kích thích để “phê”. Trong nhóm này nổi lên loại xi-rô ho Tussionex. Trong Tussionex chứa một lượng lớn chất an thần, giảm đau hydrocodone, có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách. Trào lưu sử dụng Tussionex phổ biến trong thanh niên Mỹ từ năm 2000, gây ra một số trường hợp tử vong. Tuy nhiên, 8 năm sau, FDA mới phát hiện ra nguyên nhân và lên tiếng cảnh báo.