Thận trọng khi bổ sung vitamin và khoáng chất

ANTĐ - Bổ sung vitamin và khoáng chất hợp lý sẽ mang lại hiệu quả tối đa trong quá trình hấp thụ dưỡng chất của cơ thể. Trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất. Chỉ cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể trong trường hợp: Cơ thể không có khả năng hấp thụ tốt thức ăn hàng ngày, do cơ thể suy yếu, bệnh tật hoặc do chế độ ăn uống không cân bằng, bởi việc bổ sung vitamin và khoáng chất không cần thiết có thể gây hại cho cơ thể. 

Thận trọng khi bổ sung vitamin và khoáng chất ảnh 1

Canxi

Chúng ta thường nghĩ phụ nữ phải trải qua quá trình sinh nở nên rất cần bổ sung canxi giúp xương chắc khỏe và chống loãng xương. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng, bổ sung quá nhiều canxi lại có thể gây vôi hóa động mạch và các mô mềm, tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Hơn nữa, bổ sung canxi kéo dài có thể gây sỏi thận ở một số người. Cơ thể nhận canxi từ các loại thực phẩm như bơ, rau lá xanh, cá hồi, cá mòi, hạt hạnh nhân và súp lơ xanh.

Vitamin E

Vitamin E được biết đến có thể giảm nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer, bệnh về mắt, nhưng ngược lại, có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy nguy cơ gia tăng bệnh ung thư ở nam giới khi dùng 400 IU vitamin E mỗi ngày (mức tiêu thụ cần thiết là 22 IU). Một nghiên cứu khác phát hiện ra, bổ sung liều cao vitamin E có thể gây nguy cơ tử vong. Tuy nhiên lượng vitamin E trong hầu hết các vitamin tổng hợp là không đủ để gây ra phản ứng này. 

Thận trọng khi bổ sung vitamin và khoáng chất ảnh 2

I-ốt

Việc bổ sung i-ốt cần có sự chỉ định của bác sỹ. I-ốt được biết đến có liên quan đến tuyến giáp vì nó là một thành phần quan trọng của kích thích tố sản xuất hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, thiếu hay thừa i-ốt đều có thể gây rối loạn tuyến giáp, vì vậy không nên bổ sung i-ốt khi không cần thiết. Hãy đến bệnh viện kiểm tra nồng độ i-ốt trong nước tiểu để xác định chính xác cơ thể thiếu i-ốt hay không. 

Sắt

Khoáng chất này giúp hình thành hemoglobin, một thành phần của máu giúp vận chuyển oxy từ phổi đi khắp cơ thể. Sắt cũng cần thiết cho hoạt động bình thường của tế bào và sự tổng hợp của một số hormone. Tuy nhiên, chỉ nên bổ sung sắt khi xét nghiệm cơ thể bị thiếu hụt sắt, bởi bổ sung quá nhiều sắt hay chế độ ăn uống thừa sắt có thể gây hại cho gan và các cơ quan khác như tuyến tụy và tim. Thừa sắt cũng gây viêm gan và tình trạng oxy hóa trong cơ thể làm tổn hại tế bào. 

Vitamin B6

Vitamin B rất quan trọng cho sức khỏe tối ưu, giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành nhiên liệu và thúc đẩy làn da khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn... Vitamin B có mặt trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá, do đó cơ thể chúng ta hầu hết đủ vitamin này. Một nghiên cứu cho thấy bổ sung B6 trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù vitamin B6 tan trong nước và an toàn ở mức khuyến cáo nhưng khi dư thừa lại có thể gây ngộ độc. Liều cao có thể gây ra bất thường ở dây thần kinh.