Tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc gây lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận với sự tham gia của cả hai biên đội tác chiến tàu sân bay trong biên chế của hải quân nước này cho thấy, tham vọng của Trung Quốc đối với thứ vũ khí có uy lực bậc nhất trên biển, sâu xa hơn là tham vọng đối với các đại dương mà trước hết là các vùng biển như Biển Đông.
Biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương ngày 17-12

Biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương ngày 17-12

Tàu sân bay Trung Quốc “giễu võ dương oai”

Hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc đang có hoạt động khiến các cường quốc và quốc gia khu vực đang dõi theo với sự quan tâm sâu sắc. Đó là việc chỉ một ngày sau khi truyền thông Trung Quốc xác nhận biên đội tác chiến tàu Liêu Ninh - tàu sân bay Trung Quốc mua từ Ukraine rồi hoàn thiện trong nước và là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - đã tiến vào Tây Thái Bình Dương để tập trận, thì tờ Nhân dân nhật báo đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông cũng tiến xuống một “địa điểm không tiết lộ ở Biển Đông” để tập trận mô phỏng chiến đấu.

Rất đáng chú ý khi Trung Quốc tung 100% lực lượng tàu sân bay ra biển tập trận vào thời điểm lực lượng hải quân mạnh nhất ở Thái Bình Dương là Mỹ và cho phép các tàu sân bay đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương cập cảng hoặc chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm nay. Việc cả hai tàu sân bay hiện có của Trung Quốc cùng tiến hành tập trận trên biển được giới quân sự cho rằng sẽ hợp thành một sức mạnh tổng lực, vượt trội tại các vùng biển xung quanh quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ này.

Việc Trung Quốc đồng thời đưa toàn bộ lực lượng tàu sân bay hiện có ra tập trận trên biển được xem là động thái “giễu võ giương oai”, thể hiện sức mạnh đang lên của nước này nói chung, hạm đội tàu ngầm đang phát triển nhanh chóng nói riêng. Ngoài hai biên đội tác chiến tàu sân bay đã đưa vào chế độ trực chiến, Trung Quốc đang hoàn thiện chiếc tàu sân bay thứ ba hoàn toàn do nước này tự thiết kế và chế tạo, trang bị vũ khí.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh (Type 001, số hiệu 16), được nâng cấp và hiện đại hóa từ tàu Varyag trong biên chế của Hải quân Liên Xô trước đây, đã được đưa vào trực chiến từ tháng 11-2016. Tàu sân bay Liêu Ninh có chiều dài hơn 304m, rộng 73m, được trang bị 24 chiếc máy bay chiến đấu J-15 thuộc thế hệ máy bay chiến đấu 4++ mà Trung Quốc phát triển dựa trên nguyên mẫu tiêm kích hạm Su-33 của Nga.

Tàu sân bay Sơn Đông (Type 002, số hiệu 17) hoàn toàn do Trung Quốc phát triển trên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh, song lớn hơn với lượng giãn nước lên tới 65.000 tấn, dài 315,5m, rộng 75m. Tàu sân bay Sơn Đông có thể mang tới 36 máy bay chiến đấu J-15, nhiều gấp rưỡi so với 24 chiếc của tàu Liêu Ninh, cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang hoàn thiện tàu sân bay thứ ba tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, thành phố Thượng Hải. Con tàu này có thể được hạ thủy trong vài tháng tới để tiến hành các hoạt động thử nghiệm và dự kiến sẽ được triển khai tới căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam.

“Át chủ bài” hiện thực hóa tham vọng phi pháp trên biển

Việc Trung Quốc đổ tiền đổ của để phát triển một cách nhanh nhất hạm đội tàu sân bay có uy lực chiến đấu mạnh nhất trên biển trong bối cảnh quốc gia này đang trỗi dậy mạnh mẽ thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Cùng với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc cũng từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời” theo đuổi nhiều thập kỷ qua để công khai cạnh tranh ảnh hưởng, chiến lược toàn cầu với các cường quốc mạnh nhất thế giới; đồng thời ráo riết hiện thực hóa các tham vọng chủ quyền trên biển.

Trung Quốc ráo riết phát triển hạm đội tàu sân bay có sức mạnh được đánh giá hiện chỉ thua Mỹ cho thấy tham vọng lớn thế nào của Trung Quốc trên biển, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang đòi chủ quyền phi lý đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”. Tất cả những yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều đã bị bác bỏ theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PAC) đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Đuối lý và phi pháp trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc toan tính dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền trên vùng biển này. Điều này thấy rất rõ qua việc Trung Quốc ráo riết tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thời gian qua, từ việc bồi đắp trái phép các đảo nổi nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho tới đổ tiền đổ của để phát triển lực lượng hải quân có sức mạnh vượt trội với những bên mà Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trong toan tính dùng sức mạnh để ngang ngược áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc rõ ràng muốn dùng hạm đội tàu sân bay như là “con át chủ bài”. Hơn thế, từ “bàn đạp” Biển Đông và sức mạnh ngày càng trỗi dậy, hải quân Trung Quốc dựa trên lực lượng nòng cốt là hạm đội tàu sân bay sẽ còn vươn tới những đại dương khác trên toàn cầu.

Điều đáng chú ý là cả 2 tàu sân bay hiện có trong biên chế của hải quân Trung Quốc đều có căn cứ chính tại Tam Á nằm trên đảo Hải Nam giáp Biển Đông. Điều này cho thấy Biển Đông đang nóng bởi hoạt động quân sự hóa ngày một leo thang của Trung Quốc hòng áp đặt chủ quyền phi lý và phi pháp. Nhóm tác chiến tàu sân bay được Trung Quốc dùng như một công cụ quan trọng nhất để thể hiện sức mạnh hậu thuẫn cho việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp.

Hơn thế, từ “bàn đạp” Biển Đông và sức mạnh ngày càng trỗi dậy, hải quân Trung Quốc dựa trên lực lượng nòng cốt là hạm đội tàu sân bay sẽ còn vươn tới những đại dương khác trên toàn cầu. Những cuộc tập trận liên tiếp để “mài móng vuốt” là bước ngoặt để biến hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc từ một lực lượng mới phát triển thành lực lượng có năng lực tác chiến thực sự, làm công cụ cho những tham vọng, toan tính chiến lược.

Dù sức mạnh đội tàu sân bay của Trung Quốc chưa thể so với Mỹ, song sự phát triển nhanh chóng thời gian qua đã khiến Mỹ không thể không e ngại. Phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax vào cuối tháng 11 vừa qua, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacom), cảnh báo: “Hãy nhìn những gì người Trung Quốc đã làm. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng của mình ngang bằng về quân sự với Mỹ vào năm 2027”.

Có thể thấy, tham vọng phát triển hạm đội tàu sân bay chứa đựng trong đó nhiều tham vọng lớn của Trung Quốc. Điều này gây lo ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như các cường quốc thế giới.