Thăm quê bút tre "mùa hè nắng chói"

ANTĐ - “Con đò dịch đít sang ngang/Bên kia có một cái làng thò ra”, câu thơ nôm na, buồn cười ấy từng một thời gây sóng gió đối với chính người viết. Nhiều người vẫn nói quê hương Bút Tre quả là “sông Thao nước đục người đen”. Nhưng, sự thật không phải như vậy.

Quê Bút Tre “đồi cọ, rừng chè”

Cách đây 104 năm, cậu bé Đặng Văn Đăng cất tiếng khóc chào đời trong một xóm nhỏ ven đê sông Bứa. Và sau này, tiếng cười Bút Tre lan tỏa khắp nơi, từ các mặt trận ác liệt thời chiến đến những cánh đồng thời bao cấp, khi chưa ai biết Bút Tre là ai, thì người ta nghĩ rằng, chắc chắn quê ông có rất nhiều tre.

Và tên tuổi thật của Bút Tre được sáng tỏ, người kỳ công đi tìm hiểu Bút Tre thực chất là ai là vị giáo sư đầu ngành đáng kính Nguyễn Đăng Mạnh. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có lần nói rằng, người cần nổi tiếng thì khó lòng nổi tiếng, người không muốn nổi tiếng thì lại cứ nổi tiếng. Ông Bút Tre chính là người như vậy, đã cố giấu cái tên thật đi mà vẫn nổi tiếng. Tạm gọi đó là hữu xạ tự nhiên hương.

Thăm quê bút tre "mùa hè nắng chói" ảnh 1

Cuốn sách của một tác giả “hậu Bút Tre”

Đã có vài ba lần chúng tôi qua quê hương của Bút Tre nhưng không để ý. Nhưng lần này, để chứng thực xem quê Bút Tre có nhiều tre không thì phải nán lại. Một người đàn ông cao gầy, mặt tươi cười từ nhà bước ra, chẳng biết khách là ai nhưng ông cứ hồ hởi bắt tay. Ông là Đặng Thành Phiến, con trai út của Bút Tre.

Ông Phiến bảo: “Quê tôi không có nhiều tre như các vùng quê khác đâu. Chủ yếu là đồi cọ, rừng chè. Trước, tôi có hỏi sao bố lại lấy bút danh là Bút Tre? Bố tôi bảo, thì họ có Bút Máy, Bút Thép, tao lấy hẳn Bút Tre cho nó giản dị”.

Nơi Bút Tre ở là thôn Dọc Ngõa, xã Đồng Lương (Cẩm Khê – Phú Thọ). Sở dĩ, đặt tên là Dọc Ngõa vì vùng quê này có nhiều cây ngõa, cây sung với sình lầy. Nhưng đó vẫn chưa phải là quê gốc của Bút Tre. Theo ông Phiến, quê gốc của ông cách Dọc Ngõa khoảng 1 cây số, ngay ngoài rìa sông Bứa. Vì làng bị nước sông lấn dần nên ông Bút Tre mới đưa vợ con về Dọc Ngõa an cư.

“Không làm được thì đừng cố”

Trong ký ức của ông Phiến, thời thơ ấu vẫn được nghe những vần thơ Bút Tre mà bạn bè đồng lứa đọc cho nhau nghe. Sau này vào quân ngũ, tham gia chiến trận, khi mệt mỏi đồng đội ông cũng thường đọc thơ Bút Tre để giải khuây. “Khi ấy, tôi vẫn không biết Bút Tre là bố mình đâu. Cứ thấy thơ vừa tục, vừa vui thì đọc thôi”, ông Phiến kể.

Mãi đến khi phục viên, ông Phiến mới biết cha mình chính là nhà thơ Bút Tre. Ông cũng đem giấy bút ra tỉ mẩn làm thơ xem có giống gene bố hay không, nhưng Bút Tre bảo con: “Không làm được thì đừng cố con ạ. Thơ nó không giống cái việc ăn uống đâu”. Sau lời khuyên ấy, ông Phiến  không bao giờ nghĩ đến việc làm thơ nữa.

Thăm quê bút tre "mùa hè nắng chói" ảnh 2

Chân dung nhà thơ Bút Tre

Bút Tre từng xuất bản thơ. “Khi tôi phục viên, về nhà mở mấy hòm gỗ ra toàn thấy sách. Trong đó, tôi phát hiện ra có một vài cuốn thơ khổ nhỏ bằng bàn tay đề thơ Bút Tre xuất bản. Đó là vào những năm 1961, khi ông cụ đang làm Trưởng ty Văn hóa Vĩnh Phú. Sau này, những cuốn thơ ấy không còn nữa”, ông Đặng Thành Phiến, con trai nhà thơ Bút Tre cho biết.

Bà Vi Thị Lương, vợ ông Phiến còn nhớ như in khoảnh khắc tuổi 20 về làm dâu nhà ông Trưởng ty Văn hóa Đặng Văn Đăng. Ngày cưới nào có mâm cao cỗ đầy, chỉ có những vẫn thơ cười chảy nước mắt. “Ông cụ nhà tôi tính xuề xòa, hay cười lại nhiều khách khứa nên nhà đã nghèo càng nghèo thêm”.

Thứ tài sản duy nhất mà Bút Tre có nhiều là những vần thơ, những quyển vở chép tay và rất nhiều sách vở, đặc biệt là sách tiếng Pháp. Theo ông Phiến: “Bà nội tôi là tiểu thương nên có điều kiện cho Bút Tre ăn học. Bố tôi rành tiếng Pháp lắm, khách vào nhà chơi toàn nói tiếng Pháp”.

Buồn như Bút Tre

Tưởng người có những vần thơ gây cười như Bút Tre sẽ không bao giờ, hoặc rất ít khi buồn. Ấy vậy mà không, Bút Tre rất hay đăm chiêu và buồn bã suy nghĩ, nhất là những khi có chuyện gì quan trọng. 

Bà Lương bảo: “Khi tôi mới về làm dâu, căn nhà cũ bị gió thổi đổ hết, bố tôi buồn lắm. Tỉnh biết chuyện mới cho bố tôi vay tạm ít tiền để cất nhà mới. Hạn 9 năm là phải trả nợ, trong 9 năm ấy nhiều khi nghĩ đến tiền là ông cụ lại lo lắng. Nhiều lúc buồn quá, ông bảo 9 năm mà không trả được nợ thì chết mất”.

Thăm quê bút tre "mùa hè nắng chói" ảnh 3Nhà thơ Bút Tre đoạt giải thưởng khuyến học của quê hương Cẩm Khê

Ông Phiến bảo: “Khi anh cả tôi là Đặng Thành Hiến hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1973, ông cụ nghe tin buồn lắm. Cụ không khóc trước mặt con cháu, nhưng bước vào buồng úp mặt khóc nức nở. Cả mấy năm sau cụ vẫn chưa hết buồn, thi thoảng nhìn di ảnh anh trai tôi mà cụ vẫn khóc”.  

Hậu Bút Tre 

Nhà thơ Bút Tre mất năm 1987, mộ ông được đặt ngay tại vườn nhà. Ngôi mộ xây hình tháp theo kiểu ở Đồng Lương quê ông, giản dị và rất mộc mạc. Khách khứa xa gần đến thăm, rất tiện để có thể thắp một nén hương tưởng nhớ nhà thơ tiếu lâm.

Từ khi nhà thơ Bút Tre qua đời, ở Đồng Lương cũng như các nơi khác, rất nhiều người học theo kiểu làm thơ Bút Tre. Và bây giờ, ở Đồng Lương còn có cả một câu lạc bộ hậu Bút Tre. Những vần thơ viết ra, có thể sự giản dị chưa được như cụ Bút Tre tài danh, nhưng chất cười và niềm tin yêu cuộc sống thì tràn trề.

Nhà thơ Trần Nhương nhận xét, thơ Bút Tre đã trở thành một trường phái. Bởi vì, thơ Bút Tre ngày càng phát triển một cách rầm rộ, mạnh mẽ và phong phú. Có tác giả in thành tập, gọi là thơ “Hậu Bút Tre”.

Điển hình như Đặng Trần Luật, Nguyễn Giang, Phạm Ngọc Chân, Nguyễn Vũ Tiềm và đặc biệt là Nguyễn Bảo Sinh, người kế tục sự nghiệp thơ Bút Tre thành công hơn cả. Một số tác giả còn lấy bút danh dựa trên cơ sở người sáng lập như: Bút Tre Trẻ, Bút Tre Xanh, Bút Tre Non, Bút Nứa, Bút Sậy, Bút Tre Tây. Tôi hỏi ông Phiến, trước khi mất cụ có dặn lại gì không? Ông Phiến trầm ngâm: “Chỉ mỗi một câu, gắng giữ nhân cách con ạ”. 

Và câu thơ cuối cùng Bút Tre để lại cho hậu thế được viết ở chính căn nhà mà cụ đã trút hơi thở: “Mai sau kẻ đoái, người hoài, mặc/Hạnh phúc hôm nay mát dạ người”.