Thái Lan cung cấp dịch vụ công tích hợp “tất cả trong một”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12-7, Thái Lan ra mắt ứng dụng “Tang Raat” (Ứng dụng của Chính phủ). Ứng dụng di động này là một phần của chiến lược quốc gia 20 năm (2018-2037) nhằm cung cấp cho tất cả công dân Thái Lan các dịch vụ thiết yếu của chính phủ thông qua mạng Một cửa (OSS).
Đại diện Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Hành chính Nhà nước Thái Lan tại lễ ra mắt ứng dụng “Tang Raat”

Đại diện Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Hành chính Nhà nước Thái Lan tại lễ ra mắt ứng dụng “Tang Raat”

Tăng tốc để phục hồi sau đại dịch

Lễ ký biên bản ghi nhớ cho ứng dụng “Tang Raat” có sự tham gia của ông Anucha Nakasai, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Tướng Akanit Muensawat, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nhà nước. Đây là ứng dụng di động tất cả trong một để cung cấp dịch vụ công và hoạt động như một kênh trực tuyến để tiếp nhận các khiếu nại và đề xuất của công chúng.

Theo Cổng thông tin Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, ứng dụng di động được tạo ra bởi các chuyên gia và nhân viên từ 7 cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số, Bộ Nội vụ, Văn phòng Thường trực thuộc Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Phát triển Khu vực Công, Vụ Quan hệ Công chúng, Văn phòng Ban Bảo vệ Người tiêu dùng và Cơ quan Phát triển Chính phủ Kỹ thuật số.

Theo đó, người dùng có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm hành chính công Dumrongtham tại các tỉnh, thành phố tương ứng hoặc đường dây nóng 1111 của trung tâm này bằng cách sử dụng chương trình được tích hợp chức năng Dịch vụ Một cửa. Công dân cũng có thể liên hệ với Văn phòng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, truy cập nhiều dịch vụ của chính phủ thông qua trang web cổng thông tin công dân, thanh toán hóa đơn.

Tướng Akanit cho rằng, việc giới thiệu ứng dụng Nhà nước dùng chung duy nhất này cho thấy, nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao các dịch vụ công để người dân dễ dàng tiếp cận. Chính phủ hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, kết nối các doanh nghiệp và đất nước đạt được mục tiêu phục hồi sau đại dịch. Việc cung cấp tất cả dịch vụ công một cách toàn diện và liền mạch cũng như hiện thực hóa công cuộc xây dựng chính phủ kỹ thuật số chứng tỏ Thái Lan đã sẵn sàng cho một thế giới hậu đại dịch và đối mặt với các thách thức trong tương lai.

Chiến lược quốc gia 20 năm (2018-2037)

Ứng dụng di động này là một phần của chiến lược quốc gia 20 năm (2018-2037) nhằm cung cấp cho tất cả công dân Thái Lan các dịch vụ thiết yếu của chính phủ thông qua mạng Một cửa (OSS). Tháng 10-2018, chiến lược quốc gia 20 năm của Thái Lan đã được Thủ tướng Prayut Chan-ocha ký ban hành và chính thức có hiệu lực. Chiến lược hướng tới tương lai nhằm mục đích đưa Thái Lan trở thành “một quốc gia phát triển với an ninh, thịnh vượng và bền vững phù hợp với triết lý kinh tế đầy đủ” vào năm 2037. Để làm được điều này, chiến lược tập trung vào “phúc lợi , vốn con người, khả năng cạnh tranh, phân phối thu nhập, bình đẳng xã hội, tính bền vững và hiệu quả của chính phủ”.

Theo Viện nghiên cứu quốc tế vì các nghiên cứu không liên kết (IINS), chiến lược này bắt đầu bằng cách liệt kê một loạt thách thức mà đất nước phải đối mặt bao gồm các vấn đề kinh tế, xã hội, quản lý và các vấn đề khác. Về mặt kinh tế, các ngành nông nghiệp và dịch vụ của đất nước vẫn có năng suất thấp trong khi lực lượng lao động vẫn thiếu kỹ năng. Các vấn đề xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng, thu nhập trung bình và các vấn đề khác đang phổ biến. Hệ thống hành chính hoạt động không hiệu quả và không có khả năng giải quyết các vấn đề dân sinh do kém hiệu quả. Các vấn đề khác như thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thảm họa, tính cấp bách trong việc áp dụng công nghệ xanh/thân thiện với khí hậu… và yêu cầu thích ứng với trật tự quốc tế đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi phải có một triển vọng toàn diện để giải quyết tốt hơn.

Chiến lược quốc gia 2018-2037 của Thái Lan sử dụng 6 chỉ số để đánh giá sự tiến bộ, bao gồm an ninh quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nhân lực, bình đẳng xã hội, chất lượng sống và môi trường, phát triển hệ thống hành chính Nhà nước. Nó dự kiến 3 con đường rộng lớn để thực hiện các cải cách trong tương lai, đó là an ninh, thịnh vượng và bền vững. Các công cụ liên quan bao gồm phát triển vốn nhân lực, công cụ, công nghệ và hệ thống Dữ liệu lớn để đáp ứng những thách thức trong tương lai. Riêng với mục tiêu tái cân bằng và phát triển khu vực công, Thái Lan sẽ cố gắng đạt được một khu vực công lấy người dân làm trung tâm hơn, tích hợp quản lý, nâng cấp và các biện pháp cắt giảm tham nhũng, rút ngắn thời gian phản hồi…

Chiến lược tổng thể của Thái Lan đặc biệt hướng nội và coi các yếu tố bên trong như tăng trưởng thấp, thu nhập thấp, các vấn đề xã hội và tính bền vững là những thách thức quan trọng nhất. Cách tiếp cận này sẽ mang lại lợi ích tối đa nếu chính phủ thành công trong việc đạt được các thông số đặt ra của chính mình.

Ứng dụng của Chính phủ Thái Lan (Tang Raat) là ứng dụng di động tất cả trong một nhằm cung cấp dịch vụ công và hoạt động như một kênh trực tuyến để tiếp nhận các khiếu nại và đề xuất của công chúng. Việc cung cấp tất cả dịch vụ công một cách toàn diện và liền mạch cũng như hiện thực hóa công cuộc xây dựng chính phủ kỹ thuật số chứng tỏ Thái Lan đã sẵn sàng cho một thế giới hậu đại dịch và đối mặt với các thách thức trong tương lai.