Thách thức với tân thủ tướng Italia

ANTĐ - Cựu Uỷ viên châu Âu Mario Monti đã chính thức được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền của Italia sau khi Thủ tướng S. Berlusconi từ chức hôm 12-11. Vui mừng nhưng ông M. Monti không có thời gian để hưởng thụ chiến thắng.
Thách thức với  tân thủ tướng Italia ảnh 1
Tân Thủ tướng Italia, Mario Monti
Ngay sau khi được Tổng thống G. Napolitano chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền, ông M. Monti đã phải bắt tay vào công việc cấp bách xây dựng ngay một “chiến lược cứu nguy” nền kinh tế Italia đang bên bờ sụp đổ. Trước mắt, ông M. Monti sẽ phải sớm đệ trình danh sách các thành viên trong chính phủ kỹ trị để quốc hội xem xét thông qua. Đúng là kinh tế Italia đang ở vào thời điểm cực kỳ khó khăn. Hiện nay, núi nợ công của Italia đã lên tới gần 1.900 tỷ euro, tương đương với 120% GDP. Thực trạng đó đe dọa nhấn chìm nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng euro (Eurozone). Tháng trước, Công ty đánh giá tín nhiệm Fitch đã hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Italia từ mức AA- xuống mức A+ với lý do nợ công ở mức cao, tăng trưởng kinh tế thấp. Công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s Investor Services thì hạ ba bậc tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ dài hạn của Italia, từ mức Aa2 xuống A2. Đây là lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đầu tiên của Moody’s đối với trái phiếu Chính phủ Italia kể từ năm 1993. Dù là chuyên gia kinh tế lão luyện nhưng để chèo lái đất nước thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay chẳng phải là chuyện dễ dàng với ông M. Monti. Lối thoát duy nhất hiện nay là thực hiện chương trình “thắt lưng buộc bụng” trị giá 45 tỷ euro (64 tỷ USD), trong đó có các khoản cắt giảm chi tiêu của chính quyền địa phương và thực hiện “thuế đoàn kết” đối với những người có thu nhập cao. Chương trình này phù hợp với định hướng mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khuyến nghị và là điều kiện để ECB tiếp tục cho Italia vay thêm tiền. Tuy nhiên, những biện pháp cải cách nói trên sẽ động chạm tới nhiều nhóm lợi ích. Theo báo chí Italia, trong chương trình “thắt lưng buộc bụng” có việc bán các tài sản nhà nước trị giá khoảng 21 tỷ euro, nâng độ tuổi về hưu từ 65 tuổi hiện nay lên 67 tuổi vào năm 2026, tư nhân hóa một số dịch vụ thị chính, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và giá nhiên liệu, ngừng tăng lương ở khu vực công cho đến năm 2014, cải cách thị trường lao động, miễn giảm thuế cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và những công ty sử dụng lao động trẻ. Sự chống đối đã xuất hiện với việc Chủ tịch Đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) U. Bossi kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến các đề xuất thành lập một nhà nước riêng rẽ ở miền Bắc nước này. Theo ông U. Bossi, Đảng LN muốn đề xuất thành lập một nhà nước ly khai có tên gọi là Padania ở miền Bắc Italia, bởi theo ông, “những người quan trọng và chăm chỉ ở phương Bắc không thể bị buộc phải trả giá cho (cả đất nước) Italia”. Đây là việc ám chỉ những thay đổi có liên quan đến vấn đề lương hưu trong kế hoạch thắt lưng buộc bụng trọn gói trị giá 54,2 tỷ euro của chính phủ. Theo báo chí Italia và châu Âu, với cuộc tổng tuyển cử kế tiếp sẽ diễn ra vào đầu năm 2013, chính phủ kỹ trị mới của ông Monti sẽ có khoảng 18 tháng để thông qua các biện pháp cải cách đầy đau đớn nhằm cắt giảm nợ công và thúc đẩy tăng trưởng, và điều này cần có sự ủng hộ của đa số tại quốc hội. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu không đạt được những thành công nhất định nhằm duy trì được đa số ủng hộ trong quốc hội, chính phủ của ông Monti có thể sẽ không thể đứng vững đến thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới.           
 Lạnh lùng, điềm tĩnh và tự chủ, ông Mario Monti có vẻ đối lập so với người tiền nhiệm Silvio Berlusconi. Được báo chí Italia gọi là “Super Mario” nhờ kinh nghiệm lâu năm trong ngành tài chính quốc tế, ông Monti từng đảm nhiệm cương vị cao ủy ở ủy ban tài chính, thị trường và thuế từ 1995-1999 và đứng đầu ủy ban cạnh tranh từ 1999-2004 của Ủy ban châu Âu (EC). Sinh năm 1943 tại thị trấn Varese ở vùng Lombardy, bắc Italia, ông Monti năm nay 68 tuổi, đã kết hôn và có 2 con.