- Lý Sơn - Nơi chạm đến trái tim người Việt
- Có một cột cờ Trường Sa vững vàng giữa đại ngàn Tây Bắc
- Làng Trường Sa giữa lòng xứ Nghệ
Đã hơn nửa năm kể từ ngày phóng viên Báo An ninh Thủ đô trong đoàn công tác số 9 do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn làm trưởng đoàn, vượt sóng nước Biển Đông suốt 9 ngày trên con tàu HQ56, ra thăm quần đảo Trường Sa. Trong thâm tâm mình, chúng tôi có lẽ không đoán trước rằng chuyến đi ấy lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới mình đến vậy. Những câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên chưa bao giờ thấm thía đến thế: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.
Những tháng ngày sau khi trở về đất liền là khoảng thời gian thực sự lưu luyến. Mọi bài báo, mọi chùm ảnh và những bộ phim phóng sự hay tin tức về Trường Sa đều không thỏa. Ai trong đoàn cũng muốn sớm trở lại Trường Sa, được nhắm mắt lại hít hà hương vị đượm nồng của biển cả, dù chỉ thêm một lần nữa. Và khi Tết Nguyên đán đang cận kề, thì cảm giác ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc rời boong tàu HQ651 để đặt chân xuống đảo Trường Sa Lớn. Đó là một cảm giác vừa hồi hộp, vừa phấn chấn, tự hào vì mình là một trong những người may mắn được đặt chân tới hòn đảo thiêng liêng nơi đầu sóng của Tổ quốc. Cảm giác ấy càng được nhân lên khi tôi rảo bước dưới những tán bàng vuông râm mát, ngắm nhìn nụ cười tươi rói trong làn da nâu giòn của lính đảo, bắt tay những người dân da sạm đen vì nắng gió nhưng luôn lạc quan yêu đời và chơi đùa với lũ trẻ xinh xắn hồn nhiên, những công dân trẻ tuổi của đảo. Ở đó, em bé có cái tên đầy ý nghĩa, Thái Bình Hải Thùy, công dân nhỏ tuổi nhất được sinh ra ngay trên đảo, chính là hiện thân cho mầm sống mãnh liệt giữa muôn trùng sóng gió nơi đây.
Đảo Trường Sa Lớn chính là trái tim của huyện đảo Trường Sa và mảnh đất này cũng mang đậm dáng vóc “Trái tim của cả nước”, Hà Nội. Suốt bao năm qua, tình cảm giữa nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng với quân và dân Trường Sa luôn đong đầy và bền chặt. Thị trấn Trường Sa bây giờ đã thay da đổi thịt so với nhiều năm trước, trở thành một đô thị giữa biển khơi của Việt Nam. Đường sá được bê tông hóa, những hệ thống điện năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, cột thu tín hiệu xuất hiện dày đặc hơn.
Những mầm sống kỳ diệu ở Trường Sa - Ảnh: Việt Hùng
Bên cạnh đó, bưu điện, trạm y tế, trường học và đặc biệt là ngôi chùa Trường Sa, “Nhà khách Thủ đô” với hình tạc Khuê Văn Các, cùng nhiều công trình văn hóa khác cũng đã mọc lên đem lại một đời sống tinh thần phong phú, vơi bớt nỗi nhớ đất liền cho quân và dân nơi đây. Những đứa trẻ ở Trường Sa cũng được vui chơi, học văn hóa đầy đủ để có thể phát triển tự nhiên nhất, với những tổ hợp vui chơi văn minh, lành mạnh, những tủ sách thiếu nhi đặc sắc và phong phú…
Những ngày này, khi đất liền đang hối hả đón Tết thì ở Trường Sa, Tết Đinh Dậu cũng đang được chuẩn bị chu đáo. Những chuyến tàu vẫn rẽ sóng, mang theo tình cảm của Thủ đô cũng như nhiều nơi khác ra đảo. Những gói lá dong, gạo nếp, cành đào, cành mai, những chú lợn, gà… theo tàu ra đảo, có lẽ cũng đã đủ đầy cho mâm cúng giao thừa tươm tất như ở bất cứ nơi nào trên đất nước. Chúng tôi ước, giá mình cũng được xuất hiện trên những chuyến tàu ấy, để một lần nữa sống với Trường Sa, trong không khí Tết đoàn viên này.
Để thấy rằng dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, dù khoảng cách về địa lý xa xôi, dù bất thường về thời tiết vẫn diễn ra hay tình hình phức tạp trên Biển Đông vẫn hiển hiện, thì quân và dân Trường Sa vẫn vững vàng như những cây phong ba hiên ngang giữa sóng gió biển khơi, chứng minh sức sống mãnh liệt và bất tử của một phần gan ruột đất nước, một phần máu thịt Thủ đô.