Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đặt Mỹ vào nỗi lo thường trực

ANTD.VN - Với tầm bay 13.000km, tên lửa đạn đạo có thể trang bị đầu đạn hạt nhân Hwasong-15 của Triều Tiên chính thức đặt toàn lãnh thổ Mỹ vào nỗi lo có thể bị tên lửa này tấn công hủy diệt.

Bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Triều Tiên khiến hai nước thường xuyên đe dọa tấn công hủy diệt nhau. Nhưng trước khi tên lửa Hwasong-15 phóng thử thành công, Mỹ không quá lo ngại vì Triều Tiên không có loại vũ khí nào đủ sức tấn công vào sâu lục địa Mỹ. Ảnh: Ông Kim Jong-un chụp ảnh với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, kỹ sư, kỹ thuật viên thiết kế tên lửa Hwasong-15

Các loại tên lửa trước đây của Triều Tiên chỉ có tầm bay giới hạn từ 5000km-8000km, với cự ly này là không đủ sức đánh phá những địa điểm nằm sâu trong nước Mỹ.

Tuy nhiên với tên lửa đạn đạo Hwasong-15 có thể bay với quãng đường 13.000km thì mọi sự đã hoàn toàn khác.

Hình ảnh tên lửa Hwasong-15 được phía Triều Tiên công bố. Có thể thấy rõ mũi tên lửa không còn mang hình dáng nhọn như những loại tên lửa thế hệ trước.

Tầm bay siêu xa của loại tên lửa đạn đạo mới nhất này sẽ giúp Bình Nhưỡng đặt mọi mục tiêu nằm bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm.

Trong vụ thử nghiệm vừa rồi, sau khi rời bệ phóng, tên lửa Hwasong-15 bay khoảng 960km trong 53 phút và đạt tới độ cao 4.500km, sau đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. 

Hình ảnh tên lửa Hwasong 15 sau khi rời khỏi bệ phóng.

Quầng lửa lớn phát ra khi động cơ khởi động, đẩ tên lửa bay vút lên không trung.

"Tên lửa đã nhắm trúng mục tiêu giả định tại vùng biển mở và không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh các nước láng giềng", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết. 

Trong hình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trực tiếp thị sát buổi phóng thử nghiệm.

Sau khi giám sát quá trình phóng tên lửa, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố "Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc phát triển lực lượng hạt nhân nhà nước, đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân".

Dù vậy, Triều Tiên cũng khẳng định vũ khí hạt nhân của nước này được phát triển chỉ nhằm "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự hăm dọa hạt nhân của Mỹ, nhằm đảm bảo cuộc sống hòa bình của người dân".

Do đó sẽ "không gây nguy hiểm cho bất cứ quốc gia nào khác, miễn là lợi ích của Bình Nhưỡng không bị xâm phạm", Hãng KCNA khẳng định.

"Là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm và yêu hòa bình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phục vụ mục đích cao cả của công cuộc bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”, KCNA kết luận.

Tên lửa Hwasong-15 được bố trí trên các xe phóng tự hành, điều này giúp tên lửa có sức cơ động rất cao và có thể phóng đi từ bất cứ nơi nào tại đất nước Triều Tiên.

Hình ảnh chụp các giai đoạn trong khi phóng thử của tên lửa Hwasong 15. 

Hình ảnh vui mừng của chủ tịch Kim Jong Un sau khi vụ phóng thử tên lửa thành công.

Phản ứng trước vụ phóng của Triều Tiên, Mỹ lên tiếng phản đối và đe dọa những hành động quân sự hủy diệt có thể sẽ nhắm vào nước này.

Triều Tiên tiếp tục phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm xa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân bất chấp lệnh cấm vận từ Liên Hiệp Quốc vì lo ngại có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Hình ảnh người dân Triều Tiên vui mừng sau khi vụ phóng tên lửa thành công.