- Tổng cục Thuế: Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam
- Công an Hà Nội khởi tố 1 cá nhân trốn thuế, sau khi giao dịch mua bán hàng trăm tỷ đồng trên các sàn điện tử
- Cảnh báo 3 rủi ro khi mua sắm trên nền tảng xuyên biên giới
Giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế của Temu
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép, chịu quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.
Đối với hoạt động quản lý thuế, các nhà quản lý sàn TMĐT (trong đó có Temu, Shein, Amazon…) phải có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế. Cổng này đã được triển khai từ tháng 03/2022.
“Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện việc đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu và đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ của mình. Tiếp theo sẽ thực hiện công tác thanh tra kiểm tra theo quy định khi có dấu hiệu gian lận và trốn thuế” – lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.
Theo Tổng cục Thuế, lũy kế đến thời điểm này, có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài với số thu lũy kế là 20.174 tỷ và tính riêng trong năm 2024 số thu này là 8.600 tỷ, tăng 25,7% so với bình quân của 10 tháng năm 2023.
|
Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam gây nhiều chú ý |
Riêng với trường hợp Temu, ông Mai Sơn cho biết, ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu của sàn TMĐT Temu ở Việt Nam, đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và đã được cấp mã số thuế (MST: 90000001289). Theo quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai nộp thuế theo quý.
Theo đó, ngày 30/10/2024 Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã kê khai tờ khai thuế quý III/2024, trong đó đang kê khai doanh thu bằng 0 và kèm theo giải trình là doanh thu phát sinh trong tháng 10 sẽ được khai toàn bộ vào tờ khai quý IV/2024.
“Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu quý IV/2024 và hạn nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế là 30/1/2025, đảm bảo thu ngân sách nhà nước, thu đủ theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ những thông tin quản lý nhà nước từ phía Bộ Công Thương trong việc cấp phép cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động của các sàn TMĐT xuyên biên giới để phối hợp thực hiện công tác quản lý thuế kịp thời và đầy đủ” – ông Mai Sơn nói.
Quy định sàn thương mại điện tử khai thay, nộp thay thuế đã chứng minh hiệu quả tại nhiều nước
Ngoài ra, đối với những người bán hàng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT nói chung, để hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong đó, quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn TMĐT bao gồm các sàn TMĐT trong nước và nước ngoài có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Bộ Tài chính cho hay, nội dung này được hiểu là khi sàn TMĐT có chức năng thanh toán khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trên sàn thì thực hiện khai với cơ quan thuế thông tin số thuế của hộ, cá nhân kinh doanh mà Sàn đã khấu trừ, nộp thuế thay. Thông tin mà sàn TMĐT đã khai với cơ quan thuế là căn cứ, cơ sở dữ liệu để cơ quan thuế quản lý nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.
“Quy định này góp phần giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hàng chục, hàng trăm nghìn cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn” – Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ, quy định này được đề xuất trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý như: chính sách quản lý hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đặc biệt với mô hình sàn TMĐT; việc cung cấp thông tin của sàn giao dịch TMĐT còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh khiến việc định danh, quản lý đầy đủ đối tượng, kiểm soát doanh thu trên sàn gặp khó khăn; đồng thời nguồn lực cơ quan thuế là hạn chế so với số lượng các cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, về triển khai cơ chế sàn TMĐT khai, nộp thuế thay cho người bán: đây là nội dung rất được khuyến nghị triển khai trong các tài liệu, nghiên cứu của OECD, các tổ chức quốc tế khác (IMF, ADB,…), cũng như đã chứng minh thực tế hiệu quả triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực (Anh, EU, Australia, Thái Lan…).