Tàu sân bay hạt nhân Mỹ lần đầu ra khơi theo lệnh nữ hạm trưởng

ANTD.VN - USS Abraham Lincoln trở thành tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của hải quân Mỹ được triển khai dưới quyền chỉ huy của một phụ nữ. Được biết đại tá Amy Bauernschmidt đã được bổ nhiệm là nữ hạm trưởng của tàu sân bay này vào tháng 8/2021.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln hôm 3/1 rời cảng San Diego ở Mỹ, bắt đầu ra khơi làm nhiệm vụ theo lệnh của nữ hạm trưởng đầu tiên, Đại tá Amy Bauernschmidt.

USS Abraham Lincoln sẽ nằm trong đội hình Nhóm tác chiến tàu sân bay số 3, được hộ tống bởi một tàu tuần dương lớp Ticonderoga và 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Đại tá Bauernschmidt, 51 tuổi, là nữ hạm trưởng tàu sân bay hạt nhân đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ.
Trước đó bà từng giữ chức hạm phó tàu USS Abraham Lincoln, trở thành người phụ nữ đầu tiên đóng vai trò này ở Mỹ, trước khi được bổ nhiệm làm hạm trưởng hồi tháng 8/2021.
Đại tá Bauernschmidt cũng là phi công trực thăng hải quân kỳ cựu với hơn 3.000 giờ bay tích lũy, từng chỉ huy Phi đoàn Trực thăng Tấn công số 70 trong biên chế không đoàn của tàu sân bay USS George H.W. Bush làm nhiệm vụ chiến đấu tại Trung Đông.
Bà Bauernschmidt tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ năm 1994. Đây cũng là năm Quốc hội Mỹ thay đổi luật, cho phép nữ quân nhân được phục vụ trên tàu chiến.
Năm 1996, bà Bauernschmidt gia nhập phi đoàn trực thăng săn ngầm số 45 mang biệt danh Wolfpack và được biên chế trên khu trục hạm USS John Young.
Trả lời phỏng vấn CBS News năm 2018, bà Bauernschmidt cho biết sự kiện năm 1994 đã thay đổi hướng đi cuộc đời bà. "Chúng tôi là thế hệ tốt nghiệp đầu tiên với vinh dự được trao đặc ân sát cánh cùng đồng đội trong chiến đấu", bà Bauernschmidt nói.
Trước khi được lựa chọn làm chỉ huy tàu sân bay, bà Bauernschmidt là sĩ quan chỉ huy tàu đổ bộ USS San Diego.
“Tôi vô cùng vinh dự và khiêm tốn khi được chọn. Tôi yêu những thủy thủ hàng đầu, đônhf thời coi trọng trách nhiệm đã được giao phó”, bà Bauernchmidt cho biết.
Chuyến ra khơi làm nhiệm vụ của USS Abraham Lincoln cũng đánh dấu lần đầu triển khai tác chiến của một phi đoàn tiêm kích tàng hình F-35C trong biên chế thủy quân lục chiến Mỹ.
Lầu Năm Góc trước đó chỉ điều động một phi đoàn F-35C thuộc biên chế hải quân trên tàu sân bay USS Carl Vinson.
USS Abraham Lincoln là siêu tàu sân bay thứ 5 thuộc lớp Nimitz của Mỹ, được biên chế năm 1989.
Tàu dài 333 m, rộng 76 m, có khả năng mang tối đa 90 máy bay và trực thăng, trang bị hai lò phản ứng hạt nhân cho phép di chuyển với tốc độ hơn 56 km/h.
Vũ khí của USS Abraham Lincoln gồm hai bệ phóng tên lửa tầm trung RIM-7 Sea Sparrow, hai bệ tên lửa tầm ngắn RIM-116 và hai tổ hợp phòng thủ cực gần Phalanx.
Chúng đủ sức tạo ra "lưới lửa" đánh chặn trong trường hợp các quả đạn đối phương vượt qua lá chắn phòng thủ của các chiến hạm hộ tống.
Đi kèm USS Abraham Lincoln là Không đoàn tàu sân bay số 7. Đơn vị này được biên chế khoảng 80 máy bay các loại, trong đó một nửa là tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet.
Các phi đội F/A-18E/F thường nhận nhiệm vụ tấn công tầm xa, tuần tra và làm chủ không phận trong mọi chiến dịch của hải quân Mỹ.
Không đoàn tàu sân bay số 7 còn sở hữu tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Glowler chuyên gây nhiễu, chế áp và tấn công hệ thống phòng không đối phương.
Trong khi đó, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye đóng vai trò là tai mắt của cả nhóm tác chiến tàu sân bay, có nhiệm vụ phát hiện, truyền tham số mục tiêu và điều phối hoạt động trên không của Không đoàn.
Hộ tống USS Abraham Lincoln là nhóm chiến hạm gồm tàu tuần dương USS Leyte Gulf cùng các khu trục hạm USS Bainbridge, USS Gonzalez, USS Mason và USS Nitze.