- Hơn 710 nghìn người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần từ đầu năm đến nay
- Đề xuất nghiên cứu ba gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn
Lực lượng thanh tra triển khai việc đôn đốc, thu hồi nợ ở doanh nghiệp
Tăng thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tính đến hết tháng 10-2019, cả nước có 15,414 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 181.000 người so với tháng 9-2019, đạt 98,8% so với chỉ tiêu Chính phủ giao.
Trong đó có 14,915 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 97,5% kế hoạch; 499.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 101,7% kế hoạch; 84,893 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Có 5 tỉnh đạt tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cao gồm: Bắc Giang, Ninh Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ, Quảng Ngãi; 5 tỉnh có tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao gồm: Hưng Yên, Sơn La, Cà Mau, Lạng Sơn, Hà Nam.
Để tăng cường công tác thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất.
Chỉ tính riêng tháng 10-2019, toàn ngành đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất đối với 1.047 đơn vị. Những tỉnh, thành phố ban hành nhiều quyết định thanh tra đột xuất như: TP.HCM (110 đơn vị), Nghệ An (86 đơn vị), Hải Phòng (47 đơn vị), Kiên Giang (42 đơn vị), Thanh Hóa (40 đơn vị)... Sau thanh tra, nhiều đơn vị vi phạm đã chủ động hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội.
Đa dạng các hình thức thu bảo hiểm xã hội
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn thành phố đã tăng thêm 34.000 người trong tháng 10/2019.
Đối với những đối tượng còn lại, Bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thu với đơn vị sử dụng lao động; phối hợp với Bưu điện tổ chức thông báo đến các đơn vị chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động và tiếp tục rà soát để thu bổ sung.
Về việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại diện TP. HCM cũng cho biết, đơn vị này đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có tuyên truyền cho người dân tại các ban quản lý chợ, khu phố; đồng thời giao trực tiếp chỉ tiêu cho từng công chức, viên chức và tổ chức thi đua nước rút với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao...
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu, bước vào những tháng cuối năm, việc triển khai công tác thu, giảm nợ đọng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang được bảo hiểm xã hội các địa phương quyết liệt thực hiện. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải sát sao hơn nữa với công việc; đồng thời có những tham mưu, đề xuất kịp thời với lãnh đạo Ngành và chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ quyết liệt triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị nợ, đơn vị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ số lao động và các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra đối với các đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác thu, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ như: Ban Thu, Ban Sổ thẻ, Trung tâm Công nghệ thông tin… cùng bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chủ động phối hợp với ngành Bưu điện hoàn thành chỉ tiêu về công tác thu năm 2019.