|
Phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống bán mặt hàng hóa chất. Do đặc thù phố cổ, những căn hộ diện tích nhỏ được người dân tận dụng làm nơi tích trữ hàng hóa buôn bán, kết hợp ăn ở sinh hoạt, do vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Hóa chất là mặt hàng rất dễ cháy, nổ, theo quan sát, công tác bảo đảm an toàn, phòng chống cháy, nổ được các chủ cửa hàng tại đây chú trọng, quan tâm hơn. Những trang thiết bị PCCC cơ bản như bình chữa cháy xách tay đều được các hộ kinh doanh trang bị đầy đủ. UBND phường Hàng Gai cũng thường xuyên phối hợp với CAP, CAQ Hoàn Kiếm tổ chức các buổi tuyên truyền PCCC đến tận nhà người dân…
Theo số liệu khảo sát tính đến ngày 15/10/2022, trên địa bàn Thành phố có tổng số 1.281.290 nhà ở; trong đó nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 7,8% (99.826 hộ); Thuộc diện quản lý về PCCC: 88.601 hộ (716 hộ do cơ quan Công an quản lý, 87.885 hộ do UBND cấp xã quản lý).
Điển hình về một số loại mặt hàng sản xuất, kinh doanh thông dụng của các hộ gia đình như sau: Sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất 15.923 hộ, đồ thờ, vàng mã 3.810 hộ; tạp hóa, bách hóa, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm, đồ dùng dân dụng 34.060 hộ; dịch vụ ăn uống 9.024 hộ....
Các hộ kết hợp sản xuất, kinh doanh sản xuất tập trung nhiều ở một số quận nội thành như Hoàn Kiếm (4.906 hộ), Cầu Giấy (5.883 hộ), Nam Từ Liêm (8.036 hộ), đồng thời ở một số huyện có làng nghề thủ công như Thường Tín (7.046 hộ), Phú Xuyên (5.331 hộ), Hoài Đức (4.179 hộ), Thạch Thất (3.287 hộ).
Tính từ năm (2017 đến năm 2021) và 10 tháng đầu năm 2022, tổng số vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố là 154 vụ cháy (chiếm 4,71%), làm 18 người chết (chiếm 18,7%), 15 người bị thương (chiếm 10,1%); thiệt hại về tài sản trên 5 tỷ đồng.
Đặc điểm chung của các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là ngoài không gian sinh hoạt của hộ gia đình còn bố trí không gian sử dụng sản xuất, gia công hàng hóa, sản phẩm; hoặc lưu trữ, kinh doanh, buôn bán sản phẩm hàng hóa; hoặc cung ứng các loại dịch vụ như ăn, uống, sửa chữa đồ đạc, vật dụng…
Đồ dùng, hàng hóa trong các nhà trên thường là các sản phẩm dễ cháy hoặc trong bao bì dễ cháy với thành phần, nguyên liệu chất cháy đa dạng, khối lượng chất cháy lớn, thậm chí có nhiều nhà còn tồn chứa cả hàng hóa, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ như hóa chất, gas…
Bên cạnh đó, do tư duy “tận dụng không gian, diện tích” nên việc bố trí, sắp xếp hàng hóa trong nhà không đảm bảo cách với nguồn lửa, nguồn nhiệt; chặn đường, lối thoát nạn, dẫn đến tăng nguy cơ xảy cháy nổ và khi cháy, nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về PCCC cho UBND cấp xã và lực lượng Công an cấp xã; đảm bảo việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC của chính quyền địa phương cấp xã trên địa bàn nói chung và với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh nói riêng.