Tạo cú hích kích thích

ANTĐ - Thành tích kiềm chế lạm phát đã được đánh dấu bằng chỉ số giá tiêu dùng tụt xuống mức âm trong tháng 6 sau nhiều tháng tăng trên mức “dương nóng”. Dường như là một nghịch lý, khi lạm phát “lao dốc” quá đà thì sự lo ngại lại có chiều hướng tăng lên. Đến bây giờ nền kinh tế mới thực sự thấm ngấm liệu pháp “điều trị” lạm phát. Thậm chí, “phản ứng phụ” còn có tác động mạnh khiến cả nền kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ, ế ẩm.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chỉ rõ những nguyên nhân rất đáng quan tâm khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tụt xuống độ âm. Đó là: Thắt chặt tín dụng, tiền tệ; sức mua của thị trường trong nước giảm, tổng mức bán lẻ tăng chậm, tồn kho hàng hóa tăng cao gây áp lực giảm giá.

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, khi chỉ số giá tiêu dùng giảm sâu tới mức âm là đáng suy nghĩ. Tồn kho từ hàng cao cấp đến hàng hóa thông thường, nhất là hàng nông sản, thủy sản gia tăng có thể làm cho nông dân tái nghèo. Phân tích sâu hơn, một chuyên gia kinh tế cấp cao cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm mạnh là hiện tượng không bình thường, nền kinh tế và các doanh nghiệp khó thoát khỏi vòng xoáy đình trệ, giải thể, phá sản, hàng vạn người lao động không có lương. Khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều đại biểu băn khoăn, chính sách miễn giảm thuế nên như thế nào để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp “thoát hiểm”, kích thích tiêu dùng dân cư.

Chẳng hạn như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm thu ngân sách từ 1.900-2.000 tỷ đồng. Số tiền này không nhiều nhặn gì, ngân sách bị giảm thu nhưng cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, chính việc cắt giảm chi tiêu tối đa của người dân trong hơn một năm kiềm chế lạm phát đã “góp phần” đẩy nền kinh tế đối mặt với tình trạng sản xuất kinh doanh co hẹp, ngưng trệ và thiểu phát.

Vì vậy, miễn thuế thu nhập cá nhân chính là “cú hích” kích thích tiêu dùng, từ đó góp phần tăng thu từ các khoản thuế khác. Có ý kiến đề xuất nên mở rộng diện được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa thiết yếu.

Ông Chủ nhiệm Ủy ban giải thích rằng, gói hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, không thể tràn lan và cào bằng. Khó khăn hiện nay chủ yếu rơi vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, dệt may, da giày, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Đây là những doanh nghiệp thuộc diện đáng được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn những doanh nghiệp khác, kể cả vừa và nhỏ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản dù có khó khăn cũng chưa đến mức phải “cứu trợ” khẩn cấp.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự báo, mục tiêu tăng CPI năm nay chỉ có thể đạt 7-8%. Song nếu kích cầu đủ liều lượng, nới lỏng tài khóa, tiền tệ hợp lý, tạo cú hích kích thích tiêu dùng, sản xuất thì có thể thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế đi lên.