Tăng trưởng về chất

Tăng trưởng về chất

(ANTĐ) - “Bức tranh” kinh tế 6 tháng đầu năm nhìn chung là sáng sủa. Tốc độ tăng GDP đạt 6-6,1%, chỉ số lạm phát ở mức hợp lý, thu ngân khá tốt, quả là một thành tích đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, những điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn còn đó. Nghẽn vốn cho sản xuất; chi tiêu công và thâm hụt ngân sách chưa kéo xuống mức thấp, nhập siêu vẫn kéo dài; các “nút thắt” về cơ sở hạ tầng, thiếu điện chưa được giải tỏa.

Ngân hàng Thế giới từng đánh giá Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tốt hơn so với nhiều nước khác. Kinh tế tăng trưởng thật đáng mừng nhưng rõ ràng chất lượng tăng trưởng có vấn đề. Kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tiềm ẩn những bất ổn không thể xem thường. Nhập siêu vẫn cao ở mức 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia dự kiến, xuất khẩu cả năm có thể đạt 64 tỷ USD, tăng 13%; nhập khẩu ước đạt 76-77 tỷ USD và thâm hụt thương mại vẫn vào khoảng 13 tỷ USD.

Trong tình thế đó, cán cân thanh toán quốc tế chỉ còn trông cậy vào kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA ở mức độ chủ động có hạn chế. Tăng trưởng về chất là mối quan tâm hàng đầu của mọi nền kinh tế, song theo nhận xét của một số chuyên gia kinh tế cao cấp, đặc trưng của các phản ứng chính sách trong thời gian qua vẫn nặng về xử lý các vấn đề ngắn hạn, trong khi các vấn đề về trung hạn và dài hạn chậm được triển khai.

Đơn cử như Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đã được trình Chính phủ xem xét, nhưng đến nay chưa thấy triển khai, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp tái cấu trúc Vinashin. Hoặc như Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực vào ngày 1-7-2010, vậy mà việc chuyển đổi, cải cách các doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp vẫn nặng về hình thức “bình mới rượu cũ”, chưa đi vào cải cách thực chất. Qua 6 tháng đầu năm, dự báo tăng trường GDP có thể đạt 6,5% vào cuối năm nay. Song mục tiêu mà Chính phủ đặt ra không phải là tăng trưởng dừng ở mức 6,5% mà là 7% hoặc cao hơn.

Vậy thì động lực nào thúc đẩy tăng trưởng GDP lên? Theo ý kiến của ông Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự tăng trưởng đã chạm ngưỡng của vốn và đầu tư. Có nghĩa là, hiện tại không thể huy động thêm đầu tư vì nó đã đến giới hạn. Nếu vẫn cố huy động thêm thì sẽ tăng thâm hụt ngân sách, cùng với vốn thì tiền tệ phải nới lỏng, do đó lạm phát lại có xu hướng quay trở lại. Để thoát khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn này, theo các chuyên gia, các chính sách phải theo hướng nâng cao năng suất và hiệu quả.

Chính phủ nên chuyển việc phân bổ nguồn lực từ dàn trải sang tập trung có trọng điểm, ưu tiên đầu tư vào những dự án hiệu quả, giải tỏa các điểm nghẽn của nền kinh tế. Biện pháp giảm đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước phải được làm quyết liệt để tạo lòng tin cho thị trường. Cùng lúc khởi công nhiều dự án lớn, trị giá hàng tỷ USD, thì chắc chắn cán cân thanh toán sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả những dự án lớn có nhu cầu sử dụng ngoại tệ cũng phải cân nhắc đến sự tác động lên cán cân thanh toán, nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế là cả một chặng đường dài và gian nan. Các động thái chính sách nâng cao hiệu quả, tức là làm cho áp lực tăng đầu tư giảm, giảm bội chi là những tín hiệu quan trọng để ổn định sản xuất, ổn định thị trường và ổn định tâm lý cho thấy, tăng trưởng về chất là mục tiêu đúng hướng.

Đan Thanh