Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “thụt hơi”

(ANTĐ) - Những con số thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa cho thấy một dẫn chứng mới nhất rằng tốc độ tăng trưởng của nước này không còn mạnh nữa, bên cạnh đó con số lạm phát cũng đã lên mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Những số liệu chồng chéo sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu tìm cách duy trì tốc độ tăng trưởng của quốc gia trong khi đó vẫn phải đối mặt với giá cả tăng vọt đang khiến cho người dân Trung Quốc như ngồi trên chảo lửa.

Tỷ lệ nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái, so sánh với mức 28,4% vào tháng 5 vừa qua. Con số này được cho là thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà nghiên cứu kinh tế trong nước mong chờ.

Chi Sun, một nhà phân tích kinh tế tại Hong Kong cho biết: “Nhập khẩu yếu đi sẽ làm dài danh sách những thay đổi tiêu cực nhằm vào kinh tế nội địa”.

Một số các ngành sản xuất công nghiệp Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu nguyên liệu thô như dầu thô, nhôm và quặng sắt. Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng.

Chính quyền Trung Quốc đang phải tìm cách để điều khiển nền kinh tế khổng lồ này do mối lo sợ giá cả trong nước tăng cao sẽ rất dễ xảy ra bất ổn xã hội. Bắc Kinh cũng vừa công bố con số lạm phát ở mức 6,4%.

Giá thực phẩm tại Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát, chỉ số tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến giá thịt lợn tại nước này tăng 57,1%.

 

Để “đánh vật” với tình trạng lạm phát ngày một tăng cao này, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng lãi suất 5 lần chỉ trong 8 tháng, đồng thời nâng dự trữ quốc gia.

Các chuyên gia kinh tế trong nước đang rất lo lắng và cho rằng nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp dụng thắt chặt chính sách tiền tệ và bị động trong việc giảm lạm phát thì nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phải hứng chịu một pha hạ cánh cứng.

Mặc dù vậy, vừa qua Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vẫn tỏ ra khá lạc quan vào việc kìm chế lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng của nước này.

Việc giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc sẽ dẫn tới việc giảm nhập khẩu và đưa con số thặng dư thương mại lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Con số này hiện đang ở mức 45 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Trong khí đó, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 17,9% trong tháng 6 vừa qua đưa số tiền lên 162 tỷ USD. Điều này cũng đã nhận được sự phản đối của nhiều quốc gia khác, cho rằng Trung Quốc đang ép giá đồng Nhân dân tệ để chiếm ưu thế xuất khẩu.