Tăng thuế thuốc lá: Kinh nghiệm và bài học từ các nước trên thế giới

ANTD.VN -  Thử phân tích các khía cạnh khác nhau về vấn đề đánh thuế thuốc lá trong bối cảnh Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng này nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá.

Cụ thể, dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ. Theo đó, Bộ đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối, hay còn gọi là thuế theo tỉ lệ phần trăm, sẽ giữ nguyên ở mức 75%; và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ 2026 đến 2030.

Ý kiến từ một số chuyên gia cho rằng thiết kế phương thức tăng thuế nào cũng cần dựa trên kinh nghiệm quốc tế song song với việc đảm bảo đạt hiệu quả toàn diện, đồng bộ về kiểm soát thuốc lá lậu, tăng thu ngân sách bền vững cho Nhà nước cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế và an sinh xã hội.

Các nước hành động thế nào?

Malaysia từng áp dụng cách tăng thuế đột ngột (với mức thuế TTĐB tăng thêm hơn 40%) vào năm 2015. Theo Oxford Economics, ngay sau khi Malaysia tăng thuế trong năm 2015, thị phần thuốc lá lậu năm 2016 tại nước này đã tăng gần 40% so với năm 2015 và đến năm 2020, thị phần thuốc lá lậu đã chiếm 64% thị trường Malaysia.

Số liệu của Oxford Economics cũng cho thấy, từ khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng đột ngột, số lượng người dùng thuốc lá vẫn tăng, doanh số bán thuốc lá hợp pháp lại giảm, dẫn đến việc thất thu thuế năm 2018 5,1 tỷ Ringgit

Theo báo cáo năm 2022 của Ficci-CASCADE tại Ấn Độ, khoản thất thu ngân sách Trung ương về thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010-2020 do hoạt động buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm này.

Cụ thể, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu và bất hợp pháp đang gia tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Tăng thuế đã khiến Ấn Độ trở thành thị trường thuốc lá lậu lớn thứ tư trên thế giới. Theo nghiên cứu FICCI Cascade năm 2022, tổng thị trường thuốc lá lậu tại Ấn Độ ước tính đạt 22.930 crore. Tổng thiệt hại mà Chính phủ ước tính cho năm 2022 do thị trường thuốc lá lậu là 13.331 crore, tăng 46% so với năm 2012.

Còn theo trang National Library of Medicine của Chính phủ Hoa Kỳ, Đức đã từng tăng thuế mạnh trong giai đoạn 2002-2005 khiến lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm 34%, do người tiêu dùng chuyển sang mua các loại thuốc lá từ quốc gia khác, nguồn thu ngân sách trì trệ, sau đó Đức đã phải giảm nhẹ thuế suất trong giai đoạn 2006 - 2010.

Trong khi đó tại Thái Lan, thuế suất thuốc lá không hợp lý đã làm giảm nguồn thu thuế của Chính phủ khoảng 23 tỷ baht và doanh số bán hàng đã giảm đáng kể.

Kết quả phân tích thực nghiệm về việc tránh thuế thuốc lá ở Thái Lan năm ngoái cho thấy, doanh thu thuế thuốc lá lên tới 70 tỷ baht, trong đó phần thuế bị thất thoát do hàng hóa bất hợp pháp ước tính khoảng 23 tỷ baht, tương đương 25% tổng số thuế thuốc lá. Phân tích cho thấy, năm 2023, số lượng thuốc lá lậu đã tăng 22,3% so với năm 2022; trước đó tăng 15,5% vào năm 2022 so với năm 2021.

Cùng đó, nguồn thu từ thuốc lá hợp pháp sụt giảm đã làm giảm 50% lượng thuốc lá nguyên liệu thu mua từ nông dân trong ba năm qua, làm giảm thu nhập của 500.000 nông dân.

Cần cân nhắc các hệ lụy

Với những trường hợp cụ thể nêu trên, có thể thấy, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần có cái nhìn toàn diện để tránh những hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Quay lại với đề xuất hiện nay của Bộ Tài chính, cơ quan này đang nghiêng về phương án tăng “sốc” ngay từ năm đầu tiên (với mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026) và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Thuốc lá lậu vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để

Theo Bộ Tài chính phân tích, phương án tăng thuế như đề xuất sẽ làm tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tăng từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (2030), chi phí để tiêu thụ các mặt hàng này trở nên đắt hơn, dẫn đến tác dụng ngay lập tức đến giảm sử dụng thuốc lá.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB với mức tăng thêm hơn 40% đối với phương án 1 và 100% đối với phương án 2 ngay năm đầu tiên. Sau 5 năm mức thuế TTĐB sẽ tăng thêm 200% cho cả 2 phương án.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn, dự báo, cả 2 phương án này sẽ đẩy giá bán thuốc lá hợp pháp tăng sốc và người tiêu dùng có thể sẽ tìm đến nguồn hàng lậu vốn không chịu ảnh hưởng bởi thuế để thay thế. Trên thực tế, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp sẽ giảm như phân tích của Bộ Tài chính nhưng tổng lượng tiêu dùng thuốc lá vẫn như cũ hoặc thậm chí tăng lên do sự dịch chuyển sang thuốc lá nhập lậu của người tiêu dùng.

Cũng theo Bộ Tài chính, khi áp dụng thuế hỗn hợp, dự kiến số thu thuế TTĐB có thể tăng từ 17,6 nghìn tỉ (năm 2022) lên 39,2 nghìn tỉ (năm 2030). Dù vậy, với thực tế hàng lậu sẽ xâm chiếm toàn diện thị trường thuốc lá, mức dự thu này sẽ rất khó đạt được, dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế từ thuốc lá hợp pháp, ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách.

Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng chỉ ra rõ các phương án đề xuất tăng thuế TTĐB với sản phẩm thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuốc lá.

Ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho toàn bộ chuỗi giá trị và gây ra các tác động tiêu cực về an sinh xã hội. Sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm đột ngột do cú sốc thuế sẽ tạo ra nguy cơ thất nghiệp đột ngột đối với hàng chục nghìn người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng trăm nghìn nông dân vùng trồng lá thuốc lá cũng như hàng triệu điểm bán lẻ trên toàn quốc.

Nhận xét về 2 phương án tăng thuế, ý kiến chuyên gia ủng hộ việc định hướng áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá. Bởi hệ thống thuế hỗn hợp không chỉ giúp quản lý Nhà nước hiệu quả hơn và dự đoán nguồn thu ngân sách mà còn khuyến khích nhà sản xuất đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng người tiêu dùng chuyển đổi sang tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá có chất lượng tốt hơn, giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe; đồng thời góp phần vào mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.

Nói một cách khác, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính nên xem xét mức bổ sung thuế tuyệt đối phù hợp hơn, đồng thời có lộ trình tăng thuế tuyệt đối hợp lý, tránh tăng sốc, bởi có thể gây nhiều hệ lụy.

Đặc biệt, để hạn chế sử dụng thuốc lá, bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tăng thuế TTĐB, cần phải thực hiện đồng bộ và nâng cao các biện pháp quản lý Nhà nước, đặc biệt đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thuốc lá lậu, tránh thất thu ngân sách.