Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung

Tăng thu nhập từ lương hưu

ANTĐ - Quỹ Bảo hiểm xã hội đang có nguy cơ bị “vỡ” do số người hưởng hưu trí ngày càng tăng trong khi số đối tượng tham gia hạn chế. Mặt khác, lương hưu của người già ở nước ta hiện còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng, với việc triển khai thí điểm Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung từ năm 2014, tồn tại này sẽ dần được khắc phục.

Tăng thu nhập từ lương hưu ảnh 1
Mặc dù đã sẵn sàng tham gia quỹ, song cả doanh nghiệp lẫn người lao động vẫn còn nhiều lo ngại
Ảnh: Thuần thư


Người về hưu sẽ được lợi

Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người lao động khi về hưu có mức thu nhập từ lương hưu cao hơn, thậm chí lên tới 10 triệu đồng/tháng (gồm cả lương hưu bổ sung và lương hưu cơ bản). Đó là mục tiêu mà đề án quỹ bảo hiểm hưu trí hướng đến. Hiện tại, dự thảo về đề án đang được Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 11 tới và dự kiến sẽ triển khai thí điểm từ đầu năm 2014. 

Tại hội thảo lấy ý kiến về đề án thực hiện thí điểm chính sách này do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) tổ chức ngày 26-9, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay đã có khoảng 80 nước trên thế giới áp dụng hệ thống bảo hiểm hưu trí bổ sung. Trong khi đó, ở nước ta vẫn chỉ có duy nhất chính sách hưu trí cơ bản. Do chúng ta đang bước vào quá trình già hóa dân số, nên nguy cơ vỡ quỹ hưu trí hoàn toàn có thể xảy ra trong khoảng 20 năm tới. Mặt khác, số lương hưu lĩnh bình quân hàng tháng của người lao động khoảng 3 triệu đồng/tháng, khá thấp để đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Do vậy, việc ra đời quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung không chỉ giúp người lao động khi về hưu có mức thu nhập từ lương hưu cao hơn mà còn giảm gánh nặng cho ngân sách. 

Còn nhiều lo ngại

Tại hội thảo lấy ý kiến về đề án này ngày 26-9, ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện đã có hơn 20 doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước có ý kiến xin được triển khai thí điểm phương thức này trong doanh nghiệp mình. Theo ông Phạm Trường Giang, bảo hiểm hưu trí bổ sung không chỉ có lợi cho người lao động mà còn là lợi thế để doanh nghiệp cạnh tranh nhân lực giỏi, giữ người lao động gắn bó với doanh nghiệp. 

Tuy vậy, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều luồng quan điểm khác nhau quanh chính sách bảo hiểm này. Doanh nghiệp hiện nay đã phải đóng góp quá nhiều loại phí, bảo hiểm nên việc đóng thêm một loại bảo hiểm bổ sung nữa cho người lao động là rất khó khăn và nhóm đối tượng được đóng sẽ không nhiều. Mặt khác, người lao động được đóng bảo hiểm này cũng băn khoăn vì phải đóng tiền bảo hiểm trong suốt quá trình lao động với mức phí không hề nhỏ mà không biết đến bao giờ mới được hưởng lại. Hơn nữa, mức được hưởng cũng chỉ tương ứng với 15 năm sau nghỉ hưu. Đấy là chưa kể nếu doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp bảo hiểm quản lý quỹ bảo hiểm bổ sung phá sản, thì quyền lợi của họ có bị ảnh hưởng hay không?…

Theo ông Phạm Trường Giang, trong trường hợp công ty quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung phá sản, quyền lợi của người lao động vẫn sẽ được đảm bảo tối đa. Lý do vì “bản dự thảo đề án quy định các công ty quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung phải đưa ít nhất 70% tài sản hưu trí bổ sung tích lũy mà người lao động đóng góp đầu tư vào trái phiếu Chính phủ nên mức rủi ro là… rất thấp. “Mặt khác, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung do các công ty quản lý quỹ quản lý và được các tổ chức độc lập giám sát, tài sản của quỹ được lưu ký tại ngân hàng độc lập với công ty quản lý quỹ, hoạt động của quỹ cũng sẽ được kiểm toán định kỳ” – ông Phạm Trường Giang phân tích.

Mức đóng góp khoảng 5-10% tiền lương

Theo dự thảo đề án, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người lao động và sử dụng lao động đã thuộc diện tham gia hưu trí cơ bản. Người lao động và sử dụng lao động sẽ thỏa thuận tỷ lệ đóng góp, căn cứ vào tiền lương, với mức đóng góp trong khoảng 5 – 10% tiền lương hàng tháng của người lao động. Số tiền đóng góp vào quỹ của người lao động sẽ được chuyển vào tài khoản của họ tại ngân hàng và tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu.