Tăng thu nhập cho công chức Thủ đô góp phần thu hút người giỏi vào khu vực công

ANTD.VN - Theo UBND TP Hà Nội, mức lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức ở Hà Nội hiện còn thấp. Điều chỉnh tăng mức lương cơ bản hàng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại Thủ đô. Việc chi thu nhập tăng thêm nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc.

Dành 3.800 tỷ đồng/năm để chi thu nhập tăng thêm

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết “Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý”.

Theo nội dung nghị quyết, nguyên tắc sử dụng nguồn ngân sách để chi thu nhập tăng thêm là sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Nguyên tắc phân bổ chi thu nhập tăng thêm được quy định, mức chi thu nhập tăng thêm căn cứ năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị do Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá theo quy định.

Mức lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức ở Hà Nội chưa tương xứng với khối lượng công việc

Việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm phải bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch. Chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội quản lý thực hiện theo phương án sau: Sử dụng 0,5 lần quỹ lương cơ bản (0,5 lần của 0,8 quỹ thu nhập tăng thêm, tức khoảng 62,5%) để chi thu nhập tăng thêm hàng tháng cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức hiện có của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được hưởng theo ngạch bậc, chức vụ; 0,3 lần quỹ lương cơ bản còn lại (37,5%) để chi thu nhập tăng thêm cuối năm cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị được đánh giá, xếp loại hàng năm từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa phương án chi đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá, xếp loại hàng năm đảm bảo việc chi thu nhập tăng thêm theo nguyên tắc của Nghị quyết và quy định của Luật Thủ đô. Cũng theo UBND TP Hà Nội, tổng biên chế được giao của thành phố gồm 43.381 người (hiện có mặt 40.060 người, thiếu 3.321 người). Tổng quỹ lương ngạch bậc chức vụ của các đối tượng theo quy định là 4.853 tỷ đồng. Nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm là 3.882 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2023 chuyển sang năm 2024 là 66.073 tỷ đồng. Theo tính toán, nhu cầu kinh phí tăng thêm thực hiện cải cách tiền lương mỗi năm khoảng 12.000 tỷ đồng. Như vậy, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm theo mức trích 0,8 nêu trên có thể thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến hết năm 2030.

“Chính sách, thể chế đã rất đột phá, rất vượt trội, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay, nhưng muốn đi vào cuộc sống, muốn được thực thi có hiệu quả, thì không thể thiếu người giỏi, người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết”.

TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Cường độ công việc cao gần gấp 3 cả nước

Lý giải việc cần thực hiện chính sách trên, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho hay, những năm gần đây, Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh về kinh tế - xã hội; các chỉ tiêu được Chính phủ và Trung ương giao đều cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đóng góp vào sự phát triển chung của thủ đô, có công sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã nỗ lực phấn đấu. Tuy nhiên, hiện nay dân số của Thủ đô tăng nhanh qua các năm, yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô ngày càng tăng, tính phức tạp ngày càng lớn; công tác cải cách hành chính yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết. Trong khi đó, biên chế của Thủ đô không được tăng mà còn phải thực hiện cắt giảm theo tỷ lệ chung như cả nước, dẫn đến quá tải, áp lực công việc rất lớn lên đội ngũ công chức, viên chức. Điều này dẫn đến tình trạng công chức, viên chức thôi việc, chuyển ra khỏi khu vực công trong những năm gần đây ngày một gia tăng.

Theo ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa có quy mô diện tích, dân số lớn nhất cả nước, hiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đang thực hiện khối lượng công vụ, nhiệm vụ rất lớn. Tính riêng số biên chế công chức hiện có, trung bình 1 công chức của thành phố đang phục vụ 684 người dân. So với bình quân chung của cả nước là 1 công chức phục vụ 246 người dân thì tỷ lệ Hà Nội cao hơn 2,7 lần. Trong khi đó, lương của công chức, viên chức Thủ đô được áp dụng theo thang bảng lương chung của cả nước, dẫn đến chưa bảo đảm đủ chi phí cuộc sống. Vì vậy, nhiều người kỳ vọng, chính sách mới của Luật Thủ đô năm 2024 sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế này.

Tăng động lực cống hiến

Quy định tại Khoản 3, Điều 15, Luật Thủ đô 2024 quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc”. Việc xây dựng chính sách tăng thu nhập trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cá nhân để tạo động lực, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là một nhiệm vụ cần thiết và có ý nghĩa, giá trị nhân văn, xã hội lớn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nghị quyết về nội dung trên được thành phố xây dựng bảo đảm khách quan, công bằng, gắn với hiệu quả công việc, không cào bằng, cơ bản bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng tại Thủ đô, giúp động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Theo TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong các chính sách đột phá, vượt trội để phát triển thành phố Hà Nội, thì các quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với chế độ công vụ, công chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất. Những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả thì sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, chính sách, thể chế đã rất đột phá, rất vượt trội, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay, nhưng muốn đi vào cuộc sống, muốn được thực thi có hiệu quả, thì không thể thiếu người giỏi, người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết.

Tin cùng chuyên mục