Tăng sức đề kháng cho trẻ vào mùa đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào mùa đông, trẻ thường xuyên mắc một số bệnh liên quan đến hô hấp như ho, sổ mũi, cảm lạnh, sốt, đau họng,… Chính vì vậy, bố mẹ cần tăng sức đề kháng cho trẻ để bảo vệ và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh.

Uống đủ nước

Thông thường vào mùa đông khi thời tiết lạnh trẻ rất lười uống nước. Nhưng bố mẹ phải tập cho bé duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày dù trời nóng hay lạnh. Uống đủ nước chính là cách giữ cho bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nước có tác dụng vận chuyển bạch cầu đi khắp cơ thể, ngoài ra uống nhiều nước còn có tác dụng đào thải những chất độc hại ra khỏi cơ thể thông qua tiết mồ hôi. Khi uống một lượng nước đủ có tác dụng tăng cường trao đổi chất và giúp tim bơm máu hiệu quả hơn và vận chuyển oxy trong máu, chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào.

Mùa đông, nên tắm nắng cho trẻ để tăng cường chuyển hóa tổng hợp vitamin D

Mùa đông, nên tắm nắng cho trẻ để tăng cường chuyển hóa tổng hợp vitamin D

Bổ sung thực phẩm nhiều lợi khuẩn

Nhắc đến thực phẩm có chứa nhiều lợi khuẩn chắc chắn không thể nào không nhắc đến sữa chua. Nếu ăn một hộp sữa chua ít béo mỗi ngày sẽ giúp bé ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh cảm cúm thông thường. Ngoài ra, thành phần acid lactic có trong sữa chua có tác dụng gia tăng lợi khuẩn và ức chế các vi khuẩn gây hại cho đường ruột giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng trở nên thuận lợi hơn và giúp cơ thể trẻ chống lại bệnh tật hiệu quả, đặc biệt là những bệnh phổ biến như cảm lạnh, nhiễm trùng tai và viêm họng.

Bổ sung vitamin C, D

Vitamin C có tác dụng loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể, hỗ trợ phát triển hệ xương, răng, giúp nhanh lành vết thương. Nhiều loại trái cây có chứa hàm lượng vitamin C cao như: Cam, chanh, quýt, dâu tây, ổi, đu đủ, kiwi, một số loại rau xanh… Vitamin D giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng, giúp cơ thể hấp thu tốt các dưỡng chất, đặc biệt là canxi và photpho rất tốt cho xương. Chính vì vậy mà mỗi buổi sáng bố mẹ nên dành khoảng 15 - 30 phút tắm nắng cho trẻ để tăng cường chuyển hóa tổng hợp vitamin D.

Chế độ ăn cân bằng và khoa học

Cho bé ăn uống đúng giờ, đủ chất và thay đổi phù hợp với khẩu vị, sở thích của bé. Đa dạng thức ăn, bổ sung thức ăn giàu chất đạm, tinh bột, chất béo để tăng cường năng lượng cho bé. Một thực đơn đảm bảo chất dinh dưỡng cung cấp đủ dưỡng chất cho bé. Bổ sung các thực phẩm giàu tinh bột (gạo, mì, nui, miến, các loại đậu, khoai…) giàu năng lượng cần thiết để giúp bé khỏe mạnh và giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh. Hơn nữa, tinh bột duy trì cảm giác no lâu giúp trẻ hạn chế ăn bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh… Bổ sung cá thường xuyên trong bữa ăn vì cá có chứa chất oxy hóa rất tốt cho hệ miễn dịch. Các loại trái cây dưới đây sẽ giúp cho sức đề kháng của trẻ được nâng cao.

Chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Trẻ mắc bệnh nên được nghỉ học, chăm sóc tại nhà hoặc cơ sở y tế nếu cần thiết, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác. Bạn cũng nên chủ động tiêm ngừa cho trẻ để hạn chế các bệnh theo mùa. Chủ động tiêm phòng các bệnh cho trẻ như rubella, cúm... Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ cũng là cách để hạn chế những bệnh gây ra do virus, vi khuẩn. Cần tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là sau khi đi học, đi chơi về. Hướng dẫn trẻ cách rửa tay để đảm bảo bàn tay được sạch sẽ và luyện cho trẻ thói quen không mút tay, không cho đồ chơi vào miệng.

Trong mùa lạnh, suốt thời gian trong ngày, trẻ chủ yếu ở trong phòng kín. Ở trong nhà lâu khiến trẻ dễ bị mắc bệnh hơn. Trẻ cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Vận động 30 - 60 phút mỗi ngày tùy theo độ tuổi cũng là một cách giúp cho bé yêu khỏe khoắn, năng động và có khả năng tự tạo kháng thể để chống chọi với những tác nhân gây hại. Vận động không những giúp bé khỏe mạnh mà còn giúp cho tinh thần bé vui vẻ, thoải mái hơn.

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày vào buổi sáng để hấp thu vitamin D, phòng ngừa được bệnh còi xương. Thời điểm lý tưởng nhất để bạn cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa lạnh, là khoảng 8 giờ đến 9 giờ 30. Tuy nhiên, cho trẻ chơi ngoài trời cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm những vẫn thoáng, để trẻ khi ra mồ hôi không thấy quá nóng, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thay áo cho trẻ.