Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang |
Trả lời báo chí về nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, tình trạng giá cả đội lên để chạy theo mỗi đợt tăng lương thực tế vẫn xảy ra trước đây. Cũng vì thế, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này.
Khi chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở từ 1-7-2023, đi cùng với đó sẽ là các biện pháp kiểm soát, điều hành giá.
Ông Giang cho biết, ở góc độ của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 5 vừa bế mạc, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Tất cả các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.
“Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 1-7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức” – ông Giang nói.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra yêu cầu là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI.
“Tôi tin rằng với sự sát sao của Chính phủ từ sớm và sự giám sát của Quốc hội thì tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra” - ông Giang nói thêm.
Ngoài ra, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV mới được thông qua chiều 24-6 Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm…