Tăng cường chốt chặn xử lý vi phạm nồng độ cồn, không bỏ qua vi phạm đối với tài xế là nữ giới

ANTD.VN - Sau Tết, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn có nhiều diễn biến phức tạp, dấu hiệu gia tăng do thói quen tụ tập “khai xuân” của một bộ phận người dân, nhất là nhóm nhân viên văn phòng, trong đó có cả nữ giới. Do vậy, Công an Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường các chốt kiểm tra nồng độ cồn, khẳng định không bỏ qua vi phạm đối với các nữ tài xế.

Tăng cường kiểm tra trên diện rộng

Thống kê của Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho thấy, từ Mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (22-1-2023) đến nay, các Đội nghiệp vụ của đơn vị đã xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó, các Đội có số vụ xử lý cao như Đội CSGT số 6, 7 với trên 100 trường hợp. Còn riêng 15 tổ công tác 141, từ cao điểm đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão (15-11-2022) đến nay, cũng đã xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Chỉ huy Phòng CSGT cho biết, theo thói quen, vào dịp cuối năm, đặc biệt trong những ngày Tết, người dân thường tụ tập ăn uống, sẽ không tránh khỏi việc sử dụng rượu, bia hay những đồ uống có cồn.

Các đơn vị thuộc CATP Hà Nội tăng cường các tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn sau Tết

“Điều này không xấu, nhưng nếu sử dụng rượu, bia rồi lái xe thì quá nguy hiểm, nhất là với một số người có thói quen uống… hết mình. Do vậy, chúng tôi đã quán triệt cán bộ chiến sĩ dù vất vả, nhưng cũng phải cố gắng triển khai nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Vì đây cũng là một trong những biện pháp mạnh giúp hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” - Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT - CATP Hà Nội khẳng định.

Ngay từ đêm Giao thừa, bên cạnh việc bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, chống ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm, lực lượng CSGT toàn thành phố gồm Phòng CSGT, Công an các quận, huyện, thị xã đều cắm chốt, kiểm tra nồng độ cồn trên diện rộng.

Ghi nhận tại địa bàn quận Cầu Giấy, Đội Cảnh sát GT-TT của Công an quận đã triển khai các chốt, sử dụng phễu nhằm phát hiện nhanh việc các lái xe có sử dụng đồ uống có cồn hay không. Khi máy báo “phát hiện có cồn”, tổ công tác sẽ sử dụng máy đo chuyên dụng để cho thông số vi phạm chính xác, lấy căn cứ xử phạt.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được triển khai trên diện rộng

Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô tại nhiều nhà hàng, quán bia trên địa bàn thành phố những ngày đầu năm, đặc biệt sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, rất đông các nhóm tổ chức ăn nhậu khai xuân với những lời chúc tụng. Trong số này, liệu có bao nhiêu người nhận thức được việc sử dụng rượu, bia thì không nên lái xe?

Thậm chí, có những trường hợp dù quá chén nhưng khi thấy chốt kiểm tra đã quay đầu xe bỏ chạy. Ở trạng thái bình thường, hành vi này đã là nguy hiểm, nên rất khó lường trước được hậu quả có thể xảy ra khi lái xe đã ngấm “cồn”.

Trên tinh thần lấy việc xử lý mạnh tay để người tham gia giao thông biết “sợ”, đồng thời cũng là biện pháp tuyên truyền tới tất cả người dân, thay đổi dần thói quen sử dụng rượu bia vẫn lái xe của một bộ phận người tham gia giao thông, Công an Hà Nội yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, không “vùng cấm”, không “xin xỏ” hay “tạo điều kiện” cho bất cứ trường hợp nào, nhất là cán bộ, đảng viên để làm gương.

“Chúng tôi rất ủng hộ lực lượng CSGT trong việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn. Là người tham gia giao thông, tôi rất sợ gặp trường hợp lái xe say xỉn. Còn ở vị trí một người vợ, người mẹ, hơn ai hết tôi mong chồng con có thể an toàn trở về nhà” - Chị Nguyễn Thị Minh Thu, ở quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ.

Chị Trần Thị Thu Trang, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tỏ vẻ gay gắt: “Chồng tôi cũng thường xuyên nhậu nhẹt, tôi rất mong các đồng chí CSGT xử lý nghiêm để những người như chồng tôi sợ, kể cả xử lý nhiều lần mất nhiều tiền tôi cũng đồng ý. Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho chính chồng tôi và nhiều người khác. Giờ chẳng may gây tai nạn thì biết hậu quả sẽ thế nào. Nên mong các đồng chí phạt thật nặng”.

“Tôi trước đây cũng thường xuyên phải tiếp khách và chủ quan uống rượu bia xong, và tự lái xe về nhà. Đến giờ nghĩ lại mới thấy may mắn vì chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi cảm ơn lực lượng CSGT đã làm mạnh tay, có như vậy chúng tôi mới có cớ để từ chối” - Anh Hà Mạnh Thắng, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ.

Không bỏ qua bất cứ trường hợp vi phạm nào, kể cả đó là nữ tài xế

Liên quan đến những trường hợp nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn, dù không nhiều song theo đánh giá của lực lượng chức năng, phụ nữ lái xe vốn tay lái yếu, trong nhiều trường hợp xử lý khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Đối với phương tiện là ô tô, thực tế cho thấy, có nhiều vụ tai nạn giao thông do nữ tài xế gây ra, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, Công an quận Hai Bà Trưng cũng ghi nhận một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn là nữ lái xe

“Đó là trong điều kiện, trạng thái sức khỏe, tâm lý bình thường, còn khi đã sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn hay chất kích thích thì lại quá nguy hiểm. Đã có trường hợp nữ tài xế gây tai nạn giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Nhiều người có thể nghĩ rằng là phụ nữ thì thường sẽ uống ít hơn nam giới, hoặc nếu trường hợp vi phạm là nữ thì nên... bỏ qua vì là phái yếu. Song, rõ ràng dù là nam hay nữ, khi đã sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe thì nguy cơ gây tai nạn giao thông đều ngang nhau, và hậu quả rất khó có thể lường trước được. Chính vì lẽ đó, trong các cuộc họp, chúng tôi quán triệt rất rõ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn phải được thực hiện nghiêm chỉnh, quyết liệt, kể cả người điều khiển là nữ giới cũng không bỏ qua” - Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội khẳng định.

Công an huyện Ba Vì khẳng định không bỏ qua vi phạm đối với trường hợp lái xe là nữ giới

Đi cùng tổ công tác của Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trực tiếp phóng viên An ninh Thủ đô ghi nhận có trường hợp vi phạm là nữ giới. Chị này khi bị xử lý đã liên tục… xin xỏ, mong được bỏ qua và trần tình “chỉ uống vài chén vì anh em mời không uống lại ngại”. Nhưng, với tinh thần trách nhiệm, cán bộ chiến sĩ vẫn kiên quyết yêu cầu chị ký vào biên bản xử phạt theo đúng quy định.

Tháng 6-2022, Bộ Công an và Cục CSGT đã triển khai Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Kế hoạch gây ra một làn sóng ủng hộ rất mạnh mẽ của quần chúng nhân dân khi có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên địa bàn cả nước, mà nguyên nhân do lái xe trước đó sử dụng rượu, bia.

Cho đến nay, kế hoạch này vẫn đang được Công an các đơn vị triển khai, trong đó, riêng Công an Hà Nội, lực lượng CSGT làm xuyên Tết, không nghỉ dù chỉ một ngày. Quan điểm của Công an Hà Nội là bằng mọi cách giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân trên mọi cung đường. Đây cũng là ý chí của mỗi cán bộ chiến sĩ, vì thế họ sẵn sàng hy sinh cảm xúc, nỗi niềm riêng trong những ngày Tết đến xuân về, chỉ mong bình yên cho mọi nhà, mọi người.