Tâm sự với ông trăng

ANTĐ - Đêm Trung thu của thời kinh tế mở,  ông trăng cũng mát mặt. Trẻ con vui với ông đủ thứ: bánh kẹo, lân, sao, áo quần, quà cáp...  Những người lớn được tặng quà cũng phải bánh nướng bánh dẻo, cốm vòng, hồng, bưởi... kèm cả miếng vải, két bia, chai rượu Tây... 

Lạ cho cái nhân tình thế thái sao khéo đặt bày Chú Cuội, chị Hằng thì kinh hoàng hơn bởi “sản phẩm” Trung thu của những nam thanh nữ tú Thủ đô để lại trong đêm trăng. Họ kéo nhau từng đôi, từng nhóm ra bờ hồ, vườn hoa, thảm cỏ, khuôn viên, vỉa hè... tất cả những nơi thường có dòng chữ “Giữ gìn vệ sinh chung” hay “Xin đừng vứt rác” hoặc “Không dẫm chân lên cỏ”... để đón trăng. “Lễ vật” họ đem theo là đồ ăn từ truyền thống đến hiện đại. Họ ăn uống, nhảy, nằm, đuổi nhau, trêu đùa nhau rất “ngây thơ và hồn nhiên”. Cuộc vui tàn theo trăng... Sáng hôm sau khi cái nên thơ, mờ tỏ không còn che giấu được con mắt thế gian thì những tụ điểm văn hóa của họ là mênh mông những rác rưởi.

Trăng Trung thu của trẻ em vẫn đẹp như tuổi thơ trong veo của mỗi một đời người. Nhưng trăng Trung thu của người lớn, của một số anh chị em sinh viên, học sinh thì nó ảo lắm. Khi cái mờ ảo thơ mộng ấy không còn thì nó lộ ra cái nền văn hóa rác rưởi đáng sợ của họ.