Tại Việt Nam chưa có ngân hàng nào bị phá sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo khách hàng của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) không nên rút tiền trước hạn và việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng nhưng đến sáng nay (10-10), tại một số chi nhánh của SCB vẫn có người dân đến rút tiền do khá lo lắng. 

Từ vụ việc trên, điều được dư luận quan tâm hiện nay là theo quy định hiện hành, trong trường hợp các ngân hàng phá sản, quyền lợi người gửi tiền được bảo đảm ra sao?

Phá sản là việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tuyên bố phá sản bởi Toà án. Song đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam hiện nay chưa có một ngân hàng nào bị phá sản. Thông thường khi một ngân hàng có dấu hiệu khó khăn, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để cứu vãn.

Tuy vậy, pháp luật hiện hành vẫn cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng

Trường hợp ngân hàng phá sản, người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo khách hàng SCB không rút tiền trước hạn

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo khách hàng SCB không rút tiền trước hạn

Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách. Trong đó, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Nghĩa là nếu ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng.

Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.