Tại sao Su-34 dễ bị bắn hạ hơn Su-35 khi đối đầu tên lửa phòng không Patriot?

ANTD.VN - Mặc dù thực tế Su-34 và Su-35 vẫn là máy bay dựa trên Su-27 của Liên Xô, nhưng chúng có cơ hội sống sót hoàn toàn khác nhau khi chạm trán với tên lửa phòng không Patriot.

Trang Defense Express cho biết, hôm 2/3, tên lửa phòng không Patriot đã khai hỏa vào máy bay Su-34 và Su-35 của Nga, nhưng trong khi chiếc oanh tạc cơ tiền tuyến bị bắn hạ thì tiêm kích đa năng lại trốn thoát.

Một câu hỏi đơn giản được đặt ra từ lâu, vậy liệu máy bay chiến đấu có thể tránh được tên lửa hay không,?

Trong phần lớn các bộ phim có cảnh tên lửa được phóng từ máy bay, phi công sẽ khéo léo cơ động và tung ra mồi bẫy nhiệt để thoát khỏi tên lửa.

Thông thường, tất cả những điều này xảy ra ở một hẻm núi và tên lửa có xu hướng chủ động lặp lại các thao tác của máy bay, thậm chí thực hiện lần thử thứ hai sau khi đã bắn trượt.

Nhưng trong cuộc sống mọi thứ rất khác so với điện ảnh và thực tế mặc dù câu trả lời cho vấn đề này vẫn như cũ - máy bay có thể tránh được tên lửa, tuy nhiên một số lượng lớn các điều kiện bổ sung được thêm vào, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả.

Đặc biệt, bản thân các thao tác chống tên lửa là một trong những điều cơ bản của quá trình huấn luyện phi công hàng không chiến thuật, chẳng hạn như thực hiện động tác lộn vòng.

Hơn nữa mọi thứ còn phụ thuộc vào loại tên lửa được phóng, là đạn từ hệ thống vác vai (MANPADS),hay đạn đánh chặn tầm xa của Patriot hoặc S-400... bên cạnh đó còn là hướng và tầm bắn, chế độ bay và thông số của phi cơ, cơ chế hướng dẫn tên lửa...

Nhưng trong trường hợp này, chúng ta đang nói về Patriot với tên lửa phòng không PAC-2/GEM+, phóng tới mục tiêu hoạt động ở tầm cao và cự ly gần tối đa, được xác định trong phạm vi 150 - 160 km và "vùng không thể trốn thoát" vào khoảng 110 km.

Hệ thống dẫn đường của tên lửa này là "hiệu chỉnh thông qua tên lửa" (Track via missile - TVM) với đặc điểm tọa độ mục tiêu được xác định thông qua đầu dẫn bán chủ động lắp trên đạn.

Với hệ thống dẫn đường như vậy, ngay cả trước khi phóng tên lửa, thiết bị trên máy bay của bất kỳ chiến đấu cơ nào trước tiên sẽ ghi lại hoạt động của radar Patriot trên đó. Sau đó là sự chuyển đổi của radar từ chế độ theo dõi sang bắn, có nghĩa là bắt đầu đếm ngược sau vài giây.

Theo bất kỳ hướng dẫn nào, phi công sẽ thực hiện thao tác lẩn tránh, cách đơn giản nhất trong tình huống này đó là lao xuống với tốc độ tối đa và ngắt quãng ở chế độ đốt sau nhằm khiến tên lửa mất mục tiêu.

Trong tình huống này, thời gian phản ứng của phi công thực sự chỉ tính bằng giây và phụ thuộc rất nhiều vào bản thân máy bay, vào khả năng cơ động và tình trạng chịu quá tải cho phép của phương tiện.

Đối với máy bay chiến đấu Su-35, mức độ chịu quá tải là khoảng 9G, nhưng đối với máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 thì con số này chỉ là 7G, tức là khả năng né tên lửa phòng không kém hơn hẳn.

Su-34 nặng hơn Su-35 khoảng 4 tấn (rỗng) và có lực đẩy ít hơn, ngoài ra trước khi thực hiện thao tác, Su-34 vẫn phải thả bom lắp module lượn UMPK, điều này áp đặt thêm các hạn chế về khả năng cơ động.

Do vậy cơ hội để Su-34 thoát khỏi cuộc tấn công thấp hơn đáng kể so với Su-35, điều này được phản ánh trong số liệu thống kê của Ukraine, từ ngày 17/2 đến ngày 2/3 - 12 chiếc Su-34 và 2 chiếc Su-35 đã bị bắn hạ.