Tại sao Mỹ hủy kế hoạch đưa siêu chiến đấu cơ F-35 vượt Đại Tây Dương?

ANTĐ - Ngày 15-7, Lầu Năm Góc đã quyết định hủy kế hoạch đưa máy bay chiến đấu tàng hình đa năng F-35 Lightning II vượt Đại Tây Dương sang dự Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough đang diễn ra ở Anh. 

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết phi đội F-35, vốn đã bị dừng bay sau một sự cố cháy động cơ, có thể tiếp tục được phép bay hạn chế. Việc này làm dấy lên hy vọng loại siêu máy bay chiến đấu này sẽ xuất hiện trong ngày khai mạc Triển lãm hàng không Farnborough.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby khẳng định rằng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II sẽ không thể được triển khai ra nước ngoài do phải tiếp tục kiểm tra sự an toàn của máy bay.

“Trong khi chúng tôi rất mong muốn máy bay chiến đấu F-35 được trình diễn tại Triển lãm hàng không Farnborough, nhưng chúng tôi phải hiểu và ủng hộ quyết định này”, tập đoàn Lockheed Martin, nhà sản xuất máy bay chiến đấu F-35 cho biết trong một tuyên bố.

Hồi tháng trước, một chiếc máy bay chiến đấu F-35 đã bốc cháy khi nó chuẩn bị cất cánh tại Căn cứ không quân Eglin ở Florida. Không có ai bị thương trong vụ tai nạn này, nhưng toàn bộ phi đội F-35 đã phải dừng bay để các nhà điều tra tìm hiểu nguyên nhân khiến động cơ máy bay bốc cháy.


Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A của Mỹ


Theo thông tin mới nhất, quân đội Mỹ hiện vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn. Nhiều biện pháp kiểm tra động cơ và các thông số kĩ thuật đang được gấp rút tiến hành, tuy vậy quá trình này có thể kéo dài đến cả tháng. Hiện tại, vẫn chưa biết chính xác khi nào phi đội F-35 có thể được phép bay trở lại.

Như vậy, nguyên nhân khiến Lầu Năm Góc quyết định hủy bỏ kế hoạch đưa máy bay chiến đấu F-35 lần đầu vượt Đại Tây Dương đến tham dự Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough là do quân đội nước này chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ cháy động cơ máy bay hôm 23-6.

Việc hủy kế hoạch tham dự Triển lãm hàng không Farnborough càng khiến sức ép từ phía dư luận Mỹ gia tăng nhằm vào chương trình mua sắm lớn và đắt đỏ nhất thế giới để trang bị F-35 cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến nước này. Lầu Năm Góc dự kiến chi khoảng 400 tỷ USD để sở hữu 2.457 chiếc F-35.

Ngoài ra, Anh, Italy, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là những đối tác tham gia tài trợ phát triển dự án này. Trong khi đó, Nhật Bản, Israel, Singapore và Hàn Quốc đã đặt hàng mua loại máy bay chiến đấu siêu tối tân, thuộc thế hệ thứ 5 này.

Nhiều ý kiến cho rằng dự án F-35 quá phức tạp và tốn kém. Theo họ, các nhà chế tạo đã gắn cho F-35 nhiều vai trò không thích hợp. Một số còn lo ngại về độ an toàn của máy bay này trong điều kiện thời tiết có sấm chớp và bão tố, và về khả năng dừng khẩn cấp của máy bay trên đường băng ướt.