Tài sản bố mẹ cho sau hôn nhân là tài sản chung hay riêng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Sau khi kết hôn, rất nhiều người được bố mẹ tặng cho nhà, đất. Vì thiếu kiến thức pháp luật nên đã để nhà, đất bố mẹ tặng cho đó thành tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Câu chuyện không có gì để đề cập nếu hai vợ chồng sống yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc, tài sản chung hay riêng không quan trọng nhưng vợ chồng lục đục, chồng/vợ có bồ về nhà đòi ly hôn với vợ/chồng. Tài sản nhà, đất được bố mẹ tặng cho đó giờ phải chia đôi. Vậy là bao nhiêu tích cóp của bố mẹ, không dám ăn, không dám tiêu, giờ phải chia đôi cho chồng/vợ lúc đó mới thấy đã quá muộn. Vậy, làm cách nào để nhà đất đó là tài sản riêng của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân? Hoàng Thị Mai Anh (Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Trường hợp bạn nêu trên từ trước đến nay mọi người luôn rất quan tâm. Bởi khi con gái lấy chồng, con trai lấy vợ thì bố mẹ cũng mong muốn cho con chút tài sản làm vốn và phòng thân. Tuy nhiên, khi cho thì lại rất e dè và lo ngại nếu chỉ cho riêng tài sản đối với con trai hay con gái thì lại sợ con dâu hay con rể cho rằng có sự phân biệt đối xử nên khi cho thì bố mẹ thường cho chung cả hai vợ chồng con. Từ tư duy và cách làm không dứt khoát như vậy nên lúc cho tài sản có thể vẫn biết và lo lắng sau này các con có sự chia tay thì tài sản sẽ phải phân chia theo quy định pháp luật (nếu không có sự thỏa thuận khác). Và thực tế là rất nhiều trường hợp sau khi cho các con chung tài sản rồi và việc ly hôn của các con xảy ra. Lúc này, bắt đầu phát sinh những tranh chấp và có người đòi lại tài sản đã cho các con. Thế nhưng khi đó việc đòi lại tài sản đã cho chung các con rồi là không hề dễ nếu không có thỏa thuận, điều kiện trước khi cho bằng văn bản cụ thể.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Và tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Tương tự, vấn đề về tài sản riêng của vợ, chồng cũng đã được Luật Hôn nhân và gia đình quy định. Cụ thể, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Có thể thỏa thuận tách tài sản chung hoặc yêu cầu tòa án phân chia theo quy định (Ảnh minh họa)

Có thể thỏa thuận tách tài sản chung hoặc yêu cầu tòa án phân chia theo quy định (Ảnh minh họa)

Từ những quy định nêu trên có thể thấy, để tài sản của vợ hay của chồng là tài sản riêng thì khi bố mẹ tặng cho tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng (con) thì chỉ nên tặng riêng cho vợ hay chồng mà không tặng cho cả hai vợ chồng. Trường hợp tài sản bố mẹ tặng cho đã là tài sản chung của vợ chồng mà sau đó lại muốn tách riêng biệt thì vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc đề nghị tòa án phân chia theo quy định tại Điều 38 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Theo đó, Điều 38 quy định: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”. Ngoài ra, theo quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 95 - Luật Đất đai năm 2013 thì khi vợ chồng muốn chia tách quyền sử dụng đất của vợ chồng với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã được đăng ký thì bắt buộc phải thực hiện đăng ký biến động trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có thỏa thuận.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922