Tài chính – Ngân hàng dẫn đầu về thực thi văn hóa doanh nghiệp

ANTD.VN - Ngày 30/12/2024 – Blue C đã công bố “Báo cáo Đo lường mức độ trưởng thành thực thi Văn hóa doanh nghiệp 2024 và Xu hướng 2025”. Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát 206 doanh nghiệp Việt Nam thuộc 13 ngành nghề.

Tài chính - Ngân hàng dẫn đầu bảng xếp hạng văn hóa doanh nghiệp

Theo báo cáo, trong năm 2024, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát (46,12%) có mức độ trưởng thành ở cấp độ 3 - Cấp độ Thiết kế. Ở cấp độ này, doanh nghiệp đã định hình nền tảng cốt lõi (Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi) và bắt đầu xây dựng các kế hoạch hành động để biến những nguyên tắc, niềm tin, giá trị doanh nghiệp tin tưởng thành hiện thực.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa kế hoạch và các hành động cụ thể để áp dụng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) vào quy trình tổ chức và chuyển hóa nhận thức thành các hành động thực tiễn vẫn còn khá xa.Trong số 46,12% doanh nghiệp đã xây dựng chuẩn hành vi, chỉ có 11,16% doanh nghiệp thực hành các chuẩn hành vi trong thực tế công việc hàng ngày.

Thiếu nhân lực thực thi và thiếu phương pháp, kỹ năng triển khai hiệu quả tiếp tục là 2 khó khăn lớn nhất trong xây dựng VHDN.

Báo cáo cũng chỉ ra những điểm sáng trong thực thi văn hóa doanh nghiệp.

Đầu tiên là các doanh nghiệp có mức độ trưởng thành văn hóa ở cấp độ 1 và 2 giảm rõ rệt (giảm 7,03%), dịch chuyển dần sang nhóm cấp độ 3 (tăng 12,79%). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến văn hóa tổ chức, thể hiện rõ nhất ở nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng của VHDN và việc định hình nền tảng VHDN.

Ngoài ra, đầu tư cho đào tạo VHDN cũng tăng so với 2023.

Kế đến là kết quả ấn tượng của nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm về mức độ trưởng thành trong thực thi văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với mức điểm trung bình 51,65 điểm, tương đương với cấp độ 4 (cấp Quản lý). Trong đó, nhận thức lãnh đạo về VHDN, mức đầu tư ngân sách và mức độ thể hiện các yếu tố văn hóa trên không gian vật lý là 3 tiêu chí thể hiện rõ nét nhất, tất cả đều ở trên mức 4 điểm.

Tăng 2,27 điểm so với năm 2023, ngành Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm tạo ra sự cách biệt lớn so với các doanh nghiệp khác. Cụ thể, tuy cùng cấp độ 4 nhưng nhóm ngành này cao hơn nhóm ngành Du lịch - Khách sạn gần 2 điểm, cao hơn nhóm ngành Dịch vụ 9,06 điểm, và hơn các nhóm ngành còn lại từ 10 - 15 điểm.

Bảng xếp hạng thực thi văn hóa doanh nghiệp của 11 nhóm ngành

Ngân sách đầu tư cho văn hóa tăng cũng là một tín hiệu tích cực. 26,21% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có đủ, thậm chí dồi dào về ngân sách để triển khai các hoạt động VHDN với nhiều hình thức đa dạng (tăng 5,18% so với 2023). Có đến 44,94% doanh nghiệp cho biết dự kiến ngân sách cho VHDN sẽ còn tăng lên trong năm 2025.

Năm xu hướng văn hóa doanh nghiệp năm 2025

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát trên 206 doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 11/2024; gần 100 cuộc trò chuyện, phỏng vấn với các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa cùng đội ngũ chuyên trách về VHDN tại các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tại Việt Nam, Blue C đã đưa ra và phân tích 05 xu hướng VHDN nổi bật trong 2025.

Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C

Thứ nhất là hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trong thời kỳ chuyển đổi: Khảo sát của PwC (6/2024) tại Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy 68% nhân viên trải qua nhiều biến động trong công việc, 48% phải học công nghệ mới và đối mặt với khối lượng công việc tăng. Trong bối cảnh này, hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi sẽ là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2025, góp phần duy trì hiệu suất và tính bền vững.

Thứ hai, văn hóa trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và ngày càng được quan tâm: Khảo sát của Blue C cho thấy cứ 3 doanh nghiệp sẽ có hơn 1 doanh nghiệp đặt văn hóa số là mục tiêu ưu tiên trong năm 2025.

Thứ ba, tăng cường đào tạo sử dụng AI trong công việc: Dù các lãnh đạo đã đầu tư mạnh mẽ vào AI, khảo sát của Gallup cho thấy gần 70% nhân viên vẫn không sử dụng AI, và số người cảm thấy thoải mái với công nghệ này đã giảm 6% từ 2023 đến 2024. Điều này cho thấy việc áp dụng AI chưa được định hướng rõ ràng và thiếu hỗ trợ từ doanh nghiệp. Để tối ưu hóa AI, doanh nghiệp cần kế hoạch đào tạo cụ thể và giải quyết việc làm cho nhân sự dôi dư do tự động hóa.

Thứ tư, tái thiết văn hóa, duy trì động lực làm việc trong và sau tinh gọn bộ máy: Chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân thu hút nhân sự trình độ cao, nhưng cần chú trọng hòa nhập văn hóa cho nhân sự mới.

Thứ năm, tập trung vào sự quan tâm tại nơi làm việc: Thách thức năm 2025 là thu hẹp khoảng cách giữa phúc lợi mà doanh nghiệp cung cấp và nhu cầu thực tế của nhân viên. Đặt sự quan tâm làm trọng tâm chiến lược văn hóa giúp tăng khả năng phát triển của nhân viên lên 378% và giảm 80% khi thiếu quan tâm (theo O.C. Tanner). Nhân viên được hỗ trợ tốt ít kiệt sức hơn, gắn kết cao hơn 12 lần, và làm việc xuất sắc cao hơn 7 lần, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp.