Tái cấu trúc từ đâu?

ANTĐ - “Tái cấu trúc nền kinh tế, không còn là lúc bàn nên hay không nên, mà phải được xác định có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế nước ta”. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại cuộc hội thảo về chủ đề “nóng hổi” này quy tụ các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực kinh tế, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Câu hỏi lớn được các diễn giả tập trung xoáy vào là: Tái cấu trúc bắt đầu từ đâu? Không phải ngẫu nhiên hầu hết các ý kiến đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là ba mũi nhọn cần tập trung tái cấu trúc: lĩnh vực ngân hàng, khối doanh nghiệp Nhà nước và thủ tục hành chính.

Theo ước tính, nền kinh tế nước ta mới đạt quy mô 100 tỷ USD. Muốn sản xuất ra 100 tỷ USD, nền kinh tế có tới 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 100 cảng biển, 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp. Tính bình quân, mỗi ngân hàng, mỗi cảng biển chỉ phục vụ cho việc tạo ra chưa đến 1 tỷ USD.

Tương tự, nếu trừ đi đóng góp khoảng 20 tỷ USD của nông nghiệp và 40 tỷ USD của dịch vụ vào GDP, thì trung bình mỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất chỉ tạo ra hơn 100 triệu USD mỗi năm. Thật là quá nhỏ so với chi phí vốn và nguồn lực bỏ ra. Viện trưởng Viện Kinh tế nhận xét rằng, ngân sách Nhà nước “nuôi nấng” các khu kinh tế này hơn là các khu vực này giúp nền kinh tế phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dùng hình ảnh ví von thực trạng nền kinh tế nước ta giống như một người có đủ sức mang vác được 50kg, song vì bụng đói nên lúc nào cũng phải gồng mình vác trên vai 70-80kg. Nếu không được điều trị, “nâng cấp” thể lực  sẽ rơi vào tình cảnh sức cùng lực kiệt. Để tái cấu trúc nền kinh tế, phải bắt đầu từ đâu, làm gì và làm như thế nào?

Theo ông Phó Chủ tịch, nước ta không nên và không đủ sức để đặt ra một chương trình quá đồ sộ, “hoành tráng”, vì khó ai đủ sức “tổng chỉ huy”, kiểm soát nổi. Thay vào đó, cần nhằm vào một vài chương trình tái cấu trúc then chốt, xuất phát từ đòi hỏi thực tế của thị trường. Tức là, nếu không tái cấu trúc thì sẽ nguy hiểm cho nền kinh tế, trong đó hệ thống ngân hàng là trọng tâm nhất hiện nay. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao, gần như không có cách nào giảm được, nếu không kiên quyết tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại cũng nhấn mạnh, tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống ngân hàng thương mại và khối doanh nghiệp Nhà nước là việc cần được nhắm trước tiên. Không nên chỉ coi cổ phần hóa là tái cấu trúc, mà quan trọng là chuyển đổi mạnh mẽ về năng lực quản trị. Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu thực trạng, khu vực nông nghiệp đóng góp 20% tỷ trọng GDP, với 70% dân số sống ở nông thôn, song các chính sách gần như “quay lưng” với nông dân khi đặt quá nhiều kỳ vọng và ưu đãi cho công nghiệp. Ông Viện trưởng nhấn mạnh: “Nếu không xác định được mũi nhọn tái cấu trúc thì chẳng khác nào húc đầu vào đá”.

Một trong những biện pháp để tái cấu trúc mạnh mẽ, theo Viện trưởng Viện Kinh tế, cần phải cải cách tiền lương một cách hệ thống. Còn tình trạng Nhà nước không nuôi nổi cán bộ của mình thì chính bộ máy ấy sẽ phá vỡ kỷ cương của Nhà nước. Chỉ khi thu nhập đảm bảo, Nhà nước mới có thể gắn quyền lợi với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.