Tách A0 khỏi EVN: Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị gì với Chính phủ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, chỉ nên xem xét quyết định tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi có cơ chế tài chính đảm bảo cho công ty hoạt động, vận hành ổn định.
Đề án tách A0 khỏi EVN cần làm rõ nhiều nội dung

Đề án tách A0 khỏi EVN cần làm rõ nhiều nội dung

Bộ KH-ĐT đề nghị làm rõ nhiều nội dung

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, về việc thẩm định đề án tách A0 từ EVN để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban quản lý vốn).

Theo báo cáo thẩm định của Bộ KH-ĐT, đề án tách A0 từ EVN để thành lập công ty trách nhiệm hữu một thành viên trực thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đã thể hiện được một số các nội dung chính, tuy nhiên các nội dung tại đề án sắp xếp chưa rõ ràng theo quy định. Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị UBQLV rà soát bám sát theo các quy định để hoàn thiện, sắp xếp lại các nội dung đề án cho phù hợp.

Ngoài ra, đề án mới chỉ đề cập đến các thông tin của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), chưa nhắc đến việc thông tin của EVN sau khi tách A0, do đó, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị UBQLV rà soát, bổ sung thông tin của EVN sau khi tách về vốn điều lệ, tài sản... Sau khi tách khỏi EVN, vốn điều lệ của NSMO dự kiến là hơn 730 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo thẩm định này, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị UBQLV, EVN rà soát, tính toán và khẳng định mức vốn như đề xuất trong đề án đã đảm bảo cho NSMO hoạt động và vận hành ổn định sau khi tách ra hoạt động độc lập; bổ sung về hoàn thiện một số nội dung cơ bản, như thuyết minh cho số liệu tổng chi phí cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư; khả năng bố trí nguồn vốn.

Bộ KH-ĐT đề nghị UBQLV phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng phương án đảm bảo nguồn lực cho NSMO thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm để hoạt động ổn định.

Theo Bộ KH-ĐT, để đảm bảo hoạt động cho NSMO, cần phải có cơ chế tài chính theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, A0 từ khi tách khỏi EVN để thành lập NSMO đến hết năm 2023. Giai đoạn 2, từ 1-1-2024 đến khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực. Giai đoạn 3, sau khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực thi hành, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Công Thương xây dựng cơ chế tài chính để đảm bảo NSMO sẽ có cơ chế để hoạt động.

Bộ này đề nghị UBQLV phối hợp với Bộ Công Thương xác định rõ thời điểm hoàn thành xây dựng thông tư hướng dẫn về chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện để đảm bảo chi phí cần thiết cho hoạt động của A0.

Bộ KH-ĐT cũng nêu, đề án cần thuyết minh đầy đủ tiến độ thực hiện, đánh giá sự cần thiết, tác động các dự án các hạng mục dự án đầu tư của A0 đã được EVN phê duyệt chủ trương đầu tư đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của NSMO.

Để đảm bảo tính hoạt động ổn định, liên tục trong vận hành hệ thống điều độ điện trong dài hạn, báo cáo đề nghị UBQKV, EVN rà soát 9 dự án đang triển khai của A0 để xây dựng phương án tiếp tục đầu tư và triển khai thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp bàn giao NSMO về Bộ Công Thương; bố trí phương án vốn cho các dự án này trong tổng mức vốn điều lệ ban đầu của NSMO, đảm bảo các dự án này không bị ngắt quãng hoặc dừng thực hiện.

Bộ Công Thương: Cơ chế tài chính chưa rõ

Tại cuộc họp ngày 16-8, Bộ Công Thương cho hay, việc tách A0 khỏi EVN để lập Công ty TNHH MTV thuộc UBQLV là bước thứ nhất trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện ngày 6/6/2023. Bước tiếp theo sẽ là chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ UBQLV về Bộ Công Thương.

Do việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước không gồm các nội dung về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của A0 khi tách khỏi EVN, nên những nội dung này cần làm rõ trong đề án A0. Những vướng mắc, tồn tại và giải pháp, kiến nghị xử lý cũng cần làm rõ trước khi trình Thủ tướng, đảm bảo Công ty A0 duy trì hoạt động bình thường sau khi tách.

Bộ Công Thương cũng đánh giá, cơ chế tài chính cho Công ty NSMO tại đề án còn điểm chưa rõ, chưa phù hợp. Theo đó, giai đoạn chưa áp dụng “giá điều độ hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện”, cơ chế tài chính chưa làm rõ hai điểm là NSMO thu hồi chi phí bằng cách nào và căn cứ pháp lý việc thu hồi chi phí này.

Để xử lý vướng mắc này, Bộ Công Thương đề xuất, NSMO thu hồi chi phí điều độ, điều hành giao dịch thị trường điện qua ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với EVN từ ngày tách khỏi tập đoàn này. Bộ này cũng đề nghị bổ sung dự thảo quyết định Thủ tướng tách A0 khỏi EVN, quy định NSMO cung cấp dịch vụ điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường điện, được thu hồi chi phí và lợi nhuận định mức cho hoạt động cung ứng dịch vụ theo Quyết định 24/2017;

Chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường và lợi nhuận định mức thu được từ EVN qua ký hợp đồng cung cấp dịch vụ; Bổ sung nội dung giao Bộ Công Thương hướng dẫn xác định chi phí mua dịch vụ điều độ và điều hành giao dịch thị trường điện, trong giá bán điện bình quân hằng năm…

Bộ Công Thương kiến nghị chỉ nên quy định NSMO ký hợp đồng đơn giá theo sản lượng điện mua bán, trao đổi trên hệ thống, thị trường điện.

Theo quy định Luật Điện lực, Bộ Công Thương sẽ là đơn vị hướng dẫn cụ thể về giá điều độ vận hành hệ thống điện. Còn giá điều hành giao dịch thị trường điện sẽ do Bộ Công Thương, Tài chính phối hợp xây dựng theo quy định…

Về mô hình hoạt động của A0 sau khi tách khỏi EVN, Bộ Công Thương đề nghị xem xét mô hình HĐTV, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Bộ này cũng đề nghị rà soát thêm ngành nghề kinh doanh của NSMO để đảm bảo tập trung vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh đầu tư dàn trải.