Syria biến pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka thành 'cỗ máy tử thần' đáng sợ

ANTD.VN - Với hỏa lực mạnh và được gia cố vững chắc, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka thực sự là "cỗ máy tử thần" khi được sử dụng trong vai trò tấn công mục tiêu mặt đất.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka (Lá chắn nhỏ) được Liên Xô thiết kế trong giai đoạn 1957 - 1962 với mục đích khắc phục những nhược điểm của "người tiền nhiệm" ZSU-57-2.

Mặc dù có tầm bắn hiệu quả ngắn hơn ZSU-57-2 nhưng ZSU-23-4 vẫn được đánh giá tốt hơn nhiều nhờ tốc độ bắn cao và được trang bị radar điều khiển hỏa lực có thể theo dõi mục tiêu từ cự ly 6 - 10 km.

ZSU-23-4 là trang bị của phòng không lục quân Liên Xô vào năm 1962, giai đoạn sản xuất hàng loạt từ năm 1964 - 1982 với tổng số 6.500 hệ thống. Hiện nay các phiên bản Shilka vẫn còn trong biên chế Quân đội Nga và tất cả những quốc gia từng sử dụng khác.

Thông số kỹ thuật cơ bản của hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka bao gồm: Trọng lượng 19 tấn; chiều dài 6,535 m; chiều rộng 3,125 m; chiều cao 2,576 m (tính cả radar); kíp chiến đấu 4 người.

Phần thân của pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 được sửa đổi từ khung gầm xe bánh xích GM-575, loại cũng được sử dụng trên xe tăng lội nước PT-76.

Xe được trang bị động cơ diesel V-6R công suất 280 mã lực, cho tốc độ tối đa 45 km/h trên đường tốt (30 km/h trên đường xấu), tầm hoạt động 450 km trên đường tốt (300 km trên đường xấu).

Trên tháp pháo là 4 pháo phòng không loại 2A7 cỡ nòng 23 mm với 2.000 viên đạn, tốc độ bắn 4.000 viên/phút, có thể bắn trúng các mục tiêu đang bay với tốc độ 450 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 m.

Pháo tự hành phòng không ZSU-23-4 Shilka đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ, tại nhiều cuộc chiến trong vai trò chống lại các mục tiêu tấn công đường không ở tầm thấp.

ZSU-23-4 Shilka đã xuất hiện trong đội hình Tập đoàn quân 40 của Liên Xô ở Afghanistan, cũng như trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, điều đặc biệt là nó phục vụ ở cả hai phía của mặt trận.

Quân đội Syria đã nhận được khoảng 400 pháo phòng không tự hành Shilka từ Liên Xô và gần như ngay từ đầu cuộc nội chiến, ZSU-23-4 đã được sử dụng để hỗ trợ hỏa lực thay vì phòng không như thiết kế ban đầu.

4 khẩu pháo 23 mm với tầm bắn tối đa 2.000 m có thể dễ dàng phá hủy các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ như xe thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bộ binh, phương tiện cơ giới và sinh lực địch.

Nhược điểm lớn của ZSU-23-4 là lớp giáp tương đối mỏng. Nhận thấy điều này, Quân đội Syria đã tiến hành "gói nâng cấp" đáng chú ý. Đầu tiên là tại Sư đoàn thiết giáp số 4 tinh nhuệ, họ đã biến thành Shilka những pháo đài di động thực sự.

Binh sĩ Syria tiến hành "rào kín" hệ thống pháo phòng không tự hành Shilka bằng giáp lồng, dây xích với những quả bóng thép và hộp thép có chất độn bên trong, khi đó trạm radar trở nên không cần thiết và đã bị tháo dỡ.

Trong một đơn vị tinh nhuệ khác đó là Lữ đoàn 105 của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, Shilka được gia cố theo một cách hơi khác, khi binh sĩ Syria lắp đặt các tấm thép chắc chắn ở một góc phần trên phía trước thân xe, trên tháp pháo, hai bên hông và cả phần đuôi.

Kinh nghiệm sử dụng pháo phòng không tự hành Shilka trong vai trò mới đã xác nhận tính hiệu quả đối với cả hai phương án hoán cải và giúp giảm đáng kể tổn thất về nhân sự.