Sụp đổ 3 ngân hàng tại Mỹ - càng phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các nhà băng

ANTD.VN - Sự kiện 3 ngân hàng tại Mỹ phá sản dù không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế Việt Nam nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng khi hệ thống các ngân hàng Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều điểm yếu tương tự.

“Gót chân Achilles” của các ngân hàng

Tuần qua, thị trường tài chính thế giới rúng động vì 3 vụ phá sản ngân hàng liên tiếp tại Mỹ chỉ trong vài ngày, bao gồm các ngân hàng: Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank. Chưa dừng lại ở đó, Ngân hàng First Republic Bank cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản lên đến 25 tỷ USD. Trường hợp ngân hàng này sau đó đã được 11 ngân hàng khác cùng chung tay giải cứu khi quyết định sẽ gửi vào First Republic Bank 30 tỷ USD để giải quyết những khó khăn về dòng tiền.

Sự sụp đổ các ngân hàng tại Mỹ đã gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu

Theo các chuyên gia, việc hàng loạt ngân hàng tại Mỹ gặp khó khăn về thanh khoản là hậu quả của việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất; đồng thời là hậu quả của sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử thời gian qua. Sự sụp đổ của 3 ngân hàng đã phần nào dẫn đến sự lan truyền trên thị trường tài chính Mỹ. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngoài 3 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác tại Mỹ cũng đang bị người dân rút tiền, bán tháo cổ phiếu. “Nói cách khác, hệ thống ngân hàng Mỹ đã bị khủng hoảng. Tại các ngân hàng nhỏ và vừa, hiện tượng “run on the bank” (rút tiền gửi khỏi ngân hàng) tăng đột biến bởi hiệu ứng domino. Tại một số quốc gia châu Âu, hiện tượng này cũng bắt đầu xuất hiện” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Dù sau đó, giới chức Mỹ đã có những động thái nhanh chóng và quyết liệt “giải cứu” cuộc khủng hoảng này, trong đó FED đã tung ra chương trình tài trợ cho nền kinh tế và ngân hàng lên tới hàng ngàn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu người gửi tiền, song thị trường tài chính thế giới vẫn chưa thể ổn định trở lại. Phân tích nguyên nhân sụp đổ của 3 nhà băng trên, các chuyên gia chỉ ra điểm yếu chung là các ngân hàng đều tập trung quá lớn vào một phân khúc khách hàng và lấn sân đầu tư tài chính thông qua cổ phiếu, trái phiếu khi định giá cao. Trong đó, Silicon Valley Bank là ngân hàng tập trung cho vay trong lĩnh vực khởi nghiệp; Signature Bank và Silvergate Bank là các ngân hàng chính của ngành công nghiệp tiền điện tử.

Các ngân hàng đều phải nâng cao năng lực phòng thủ, ứng phó trước rủi ro

Trong suốt một thời gian dài lãi suất giữ ở mức thấp, các ngân hàng Trung ương liên tục bơm thanh khoản nhằm xoa dịu những khó khăn do Covid-19 thì thị trường tài sản trên toàn cầu tăng mạnh, đẩy bong bóng “phình to”, bất cứ một khoản đầu tư nào đều có lãi. Đi cùng với đó là lạm phát cao ngất ngưởng. Khi nhận ra những vấn đề này, các ngân hàng Trung ương đã buộc phải tăng lãi suất nhanh chóng để kiểm soát lạm phát, “bong bóng” phát nổ, và các ngân hàng trên đã trở thành nạn nhân của thời kỳ tiền rẻ kết thúc đột ngột. Thị trường tài sản gặp khó, các doanh nghiệp khởi nghiệp và thị trường tiền số cũng gặp khó dẫn đến làn sóng rút tiền mặt, đúng lúc các tài sản phi tiền mặt của ngân hàng cũng đang mất giá trầm trọng. Các ngân hàng đã buộc bán những tài sản phi tiền mặt đó với khoản lỗ lớn.

Tại Việt Nam, đã có ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản

Nhìn lại các ngân hàng trong nước

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ không ảnh hưởng quá nặng nề đến thị trường tài chính Việt Nam do họ không có chi nhánh tại nước ta cũng như hầu như không có doanh nghiệp nào có mối quan hệ làm ăn với các nhà băng này. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay các tác động mới chỉ mới dừng ở mặt tâm lý. Dù vậy, ông cũng cho rằng sự việc là hồi chuông cảnh báo đối với các ngân hàng Việt Nam khi một số ngân hàng cũng đang đầu tư mạnh vào một số lĩnh vực như bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp, vốn là những lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn. “Các ngân hàng Việt Nam không cho vay với lĩnh vực tiền số, không cho vay quá nhiều lĩnh vực khởi nghiệp, hay bị thua lỗ bởi nắm giữ trái phiếu chính phủ… như các ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ, song nhiều ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản lớn. Trong năm nay, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ đến kỳ đáo hạn. Nếu doanh nghiệp không thể thanh toán, thì hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ bị kéo xuống” - vị chuyên gia cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm tháng 10-2022, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại là gần 12%, đây là con số còn khá khiêm tốn so với các ngân hàng trong khu vực. Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn (80-90%), các ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư, cho vay trung, dài hạn (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản). Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện hơn 20% dư nợ toàn hệ thống là cho vay bất động sản, đây là rủi ro rất lớn. Từ những phân tích trên, vị chuyên gia rút ra một số bài học cho các ngân hàng tại Việt Nam. Bài học thứ nhất là các nhà băng phải đa dạng danh mục. Đáng mừng là danh mục cho vay của các ngân hàng Việt Nam hiện nay tương đối đa dạng, trừ một số ít ngân hàng quá tập trung vào bất động sản.

Bài học thứ hai phải lưu ý là chuẩn bị lượng dự phòng lớn về tiền mặt để sẵn sàng khi người dân ồ ạt rút tiền. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải đưa ra hạn mức giới hạn khi cho vay các ngân hàng khác, tăng lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước, thực hiện giải pháp “stress test” để đánh giá sức chịu đựng của ngân hàng mình. Các ngân hàng cũng phải sẵn sàng nguồn dự phòng rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu. Về lâu dài, các ngân hàng vẫn phải liên tục tăng vốn để cải thiện CAR, nâng cao năng lực phòng thủ và quản trị rủi ro. Hiện nay, CAR của nhiều ngân hàng còn mỏng, do tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước các rủi ro của thị trường, cơ quan này chắc chắn sẽ siết chặt hoạt động quản trị rủi ro an toàn hệ thống. Hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nên cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ và luôn dự phòng kịch bản xử lý để hành động nhanh khi sự cố xảy ra.

Ở khía cạnh vĩ mô, theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng, qua sự kiện vừa qua, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải xử lý những biến động bởi Việt Nam cũng có vấn đề liên quan đến thắt chặt tiền tệ, hay một số vấn đề thanh khoản ở ngân hàng nhỏ. “Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát khu vực tài chính. Phải đảm bảo rằng các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát khu vực ngân hàng cần nắm diễn biến xảy ra, có dữ liệu cũng như có khả năng hành động vào thời điểm phù hợp” - bà Carolyn Turk khuyến nghị.