Sức ép vô hình của phóng viên thời sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thuở chập chững vào nghề, lọ mọ tìm kiếm đề tài, lỉnh kỉnh trang thiết bị, ý tứ trong từng câu chữ, thử sức với các mảng miếng, cuối cùng sức hút thời sự lôi cuốn tôi một cách kỳ lạ. Quả thật, lúc ấy, tôi chưa thể hình dung hết sức ép thời sự khốc liệt đến chừng nào cho đến khi dấn thân với nghề, tôi mới nhận ra…
Nhà báo Phương Hà

Nhà báo Phương Hà

360 độ… xoay

Tại sao vậy? Thì đúng là như vậy! Chúng tôi phải “xoay” đủ tứ phương tám hướng để có bằng được thông tin. Không có thông tin thì lấy đâu ra sản phẩm! Áp lực thông tin, áp lực thời sự, áp lực tiến độ, áp lực cạnh tranh buộc phải… xoay. Bởi lẽ, những vụ việc thời sự diễn ra bất kể đêm - ngày, nắng - mưa… luôn là đề tài “nóng” khiến tất cả các cơ quan báo chí tập trung khai thác. Phóng viên mỗi người một phương, mỗi người một cách, nhanh nhất, chính xác nhất, sinh động nhất, đa chiều nhất để thu thập thông tin phục vụ bạn đọc. Như tôi, một phóng viên lâu năm trong nghề, bất cứ khi nào tòa soạn cần, chỉ huy ban giao nhiệm vụ triển khai các vụ việc mang tính thời sự, đến các “điểm nóng”, tôi cũng đều cố gắng bằng tất cả khả năng của mình để có “sản phẩm” mang về.

Gần đây nhất là vụ cháy căn nhà trọ 5 tầng tại ngõ 43 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vụ cháy được xác định xảy ra vào lúc 0h30 ngày 24-5. Do xảy ra vào khung giờ mà hầu hết mọi người đã đi ngủ nên không nhiều người biết. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Sáng sớm 24-5, tôi đi dự một sự kiện tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Khi vừa đến địa điểm tổ chức sự kiện thì nhận được cuộc gọi của chỉ huy yêu cầu lập tức vào Bệnh viện Giao thông vận tải, phỏng vấn nạn nhân vụ cháy đang cấp cứu tại địa chỉ này. Xoay nhiệm vụ, tôi lập tức quay xe, hướng Bệnh viện Giao thông vận tải thẳng tiến. Khi vào đến khu vực khoa Cấp cứu của bệnh viện, rất đông phóng viên báo, đài đang tập trung bên ngoài do không được vào trong, mỗi người tự tìm cách thu thập thông tin và liên tục tìm vị trí thuận lợi để sản xuất tin, bài ngay lập tức gửi về tòa soạn.

Khu vực khoa Cấp cứu Bệnh viện Giao thông vận tải được bảo vệ rất nghiêm ngặt từ ngoài vào trong. Qua tìm hiểu, tôi được biết có 6 nạn nhân vụ cháy đang cấp cứu tại đây, có cả người lớn tuổi và bệnh nhi. Tình thế nước sôi lửa bỏng khiến cho không khí càng trở lên cấp bách. Đúng lúc này, tôi nhận được thông tin có Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đang đến thăm và tặng quà các nạn nhân. Tôi thầm nghĩ cơ hội đã đến và lập tức gọi điện xin phép trước để được đi cùng đoàn vào trong với tư cách là phóng viên theo dõi Ủy ban và nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên, khi thấy Giám đốc bệnh viện ra đón đoàn thì các phóng viên báo, đài khác nhanh chóng ùa vào theo cùng khiến cho không khí trở lên lộn xộn vì quá đông. Tôi đi theo dòng người vào bên trong khoa Cấp cứu, nhưng đến cánh cửa thứ hai thì lập tức bị bảo vệ ngăn lại và yêu cầu ra ngoài. Nhìn dòng người rảo bước phía trước mà tôi cảm thấy… “bất lực”. Sau những phút ngồi bên ngoài cửa cùng một số phóng viên khác, tôi đến gặp bảo vệ xin được vào trong với muôn vàn “cam kết”, cuối cùng thì tôi đã được vào trong tác nghiệp. Bên trong, các cán bộ của bệnh viện đứng giám sát nhằm hạn chế chụp ảnh bên trong phòng cấp cứu. Và dĩ nhiên, thời điểm đó thì không có phóng viên báo, đài nào được phép tiếp xúc với nạn nhân để phỏng vấn. Tất cả đều phải đứng bên ngoài phòng kính.

Bằng tất cả khả năng tác nghiệp của mình, tôi cũng thu thập đủ tư liệu, hình ảnh cần thiết. Tôi quay ra tìm gặp người nhà chăm sóc nạn nhân để phỏng vấn. Những thông tin phỏng vấn nhỏ giọt trong hoàn cảnh ấy cũng đều quý giá, giúp tôi có chất liệu để viết tin, bài. Cuối cùng, sau nhiều giờ… xoay, tôi cũng có được “sản phẩm”. Dù không hoàn toàn được như ý tưởng ban đầu lãnh đạo cơ quan chỉ đạo, nhưng cũng được chỉ huy ban chấp nhận trong điều kiện tác nghiệp khó khăn. Tin, bài đăng lên được nhiều người quan tâm khiến tôi cũng cảm thấy vui sau những cố gắng của mình.

Tác giả tác nghiệp trong trận ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Tác giả tác nghiệp trong trận ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Trải qua khó khăn để tôi luyện mình

Có lẽ không chỉ đối với cá nhân tôi, mà với bất cứ phóng viên nào, trong mọi hoàn cảnh tác nghiệp, đều mong muốn ghi nhận được thông tin hay nhất, nhanh nhất, thậm chí thông tin mang tính chất “độc quyền” nhưng đôi khi hoàn cảnh khách quan đưa lại, “xôi hỏng bỏng không” cũng thường xảy ra. Còn nhớ vào năm 2012, tôi đi theo một tổ công tác của một phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội đi kiểm tra, truy bắt thực phẩm bẩn vào ban đêm. Vấn đề này luôn được dư luận xã hội rất quan tâm. Tôi cùng một đồng nghiệp quay phim lên đường cùng các trinh sát từ chập tối. Kho hàng nằm ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tổ công tác chia làm nhiều mũi, đứng ở nhiều vị trí khác nhau. Tôi cùng phóng viên quay phim và một vài trinh sát đứng vòng ngoài, đợi thông tin các tổ khác là lập tức ập vào. Nhưng, từng giờ trôi qua, càng về đêm, tâm trạng của mỗi người càng lúc càng sốt ruột, sợ “bắt trượt”. Hết đi, lại ngồi chờ thông tin. Khi bắt đầu đi mọi người hứng khởi, hy vọng bao nhiêu, thì càng về đêm, rạng sáng, niềm hy vọng ấy lại trở nên mong manh bấy nhiêu. Cuối cùng, tôi cùng các anh em trong tổ công tác thức trắng một đêm, đến 5h sáng phải ra về tay không.

Những vụ tác nghiệp “hỏng ăn” như trên không quá hiếm. Thế nên, chấp nhận theo nghề báo thì phải dám dấn thân quả không sai. Nếu không lăn xả thực tế các vụ việc, không nếm trải những khó khăn trong quá trình tác nghiệp thì sẽ không tôi luyện được sự mạnh mẽ, kinh nghiệm và bản lĩnh của một phóng viên.