‘Sự ủng hộ của nhân dân giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là một trong hai cán bộ Công an xã làm nhiệm vụ Cảnh sát khu vực tham gia hội thi Nữ CSKV tài năng Công an Thủ đô lần thứ Nhất năm 2023, Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa, Công an xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mang đến một màu sắc riêng biệt.

Từ nữ trinh sát đến cô Công an xã "đa sắc màu"

Tốt nghiệp Trung cấp An ninh, Phạm Thị Minh Nghĩa được phân công về một đơn vị nghiệp vụ đặc biệt của Công an Hà Nội. Ở đó, cô cùng đồng đội vượt nắng, đội mưa theo dõi di biến động của đối tượng. Cô quen với những bản báo cáo nghiệp vụ, với môi trường công việc ít người. Hai năm làm nhiệm vụ trinh sát, Phạm Thị Minh Nghĩa vẫn mong có một ngày được thay đổi môi trường làm việc để thỏa ước mơ thanh xuân.

Chân dung Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa

Chân dung Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa

Khi CATP Hà Nội có đợt điều động bổ nhiệm Công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã, tháng 9-2020, Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa được phân công nhận nhiệm vụ tại Công an xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức. Được trở về phục vụ nhân dân trên chính quê hương mình, cô trinh sát đã ngay lập tức “học việc” và nhiệm vụ đầu tiên của cô là thu thập dữ liệu dân cư, phục vụ Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Liền sau đó, Phạm Thị Minh Nghĩa cùng đồng đội ở Công an xã lại căng mình với “chiến dịch” thực hiện Dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và hàng loạt cao điểm khác liên quan đến dữ liệu dân cư.

Bên sân phơi thóc, Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa tranh thủ hướng dẫn bà con nhập VNeID

Bên sân phơi thóc, Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa tranh thủ hướng dẫn bà con nhập VNeID

“Chồng em cũng là CSHS - CAH Mỹ Đức, nên cũng phải trực suốt, khi em tham gia chiến dịch, cháu lớn gửi cho ông bà nội, cháu bé nhờ ông bà ngoại trông. Nghĩ cũng buồn và tủi thân, thương con nhưng nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mình phải hoàn thành” - Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa tâm sự.

Cô cho biết, khi nhận nhiệm vụ ở Công an xã, đơn vị chỉ có 5 anh em bao gồm cả chỉ huy. Vì thế, Phạm Thị Minh Nghĩa dù được phân công nhiệm vụ của Cảnh sát khu vực tiếp dân nhưng cô vẫn phải kiêm nhiệm làm nội cần, tổng hợp số liệu cho Công an xã vì "ở xã cái gì cũng thiếu nhưng thiếu nhất là nhân sự. Mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau” - Thượng úy Minh Nghĩa chia sẻ.

Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số với người dân

Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số với người dân

Hơn 3 năm thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cả trong suy nghĩ, cách làm, Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa giờ đây đã đa sắc màu hơn. Không còn là cô trinh sát hoạt động độc lập trong môi trường đơn lẻ, Minh Nghĩa đã bước ra môi trường chủ yếu tiếp xúc với nhân dân. Công việc ấy, theo cô, mang lại rất nhiều điều thú vị.

Nói về cấp dưới, cũng là đồng đội của mình, Thiếu tá Nguyễn Phi Long, Trưởng Công an xã Mỹ Đức nhìn nhận, “không có điểm nào để chê”, công việc đã giao cho Nghĩa thường rất trôi chảy, từ quản lý cư trú, nội cần đến báo cáo tổng hợp của Công an xã gửi cấp trên. Trong công tác tiếp dân, Nghĩa luôn hòa nhã, tạo tình cảm và được nhân dân quý mến.

“Hùng Tiến là một địa bàn thuần nông, dân số hơn 8.000 người với hơn 2.000 nhân khẩu, người dân không có nghề phụ mà thường đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Hà Nam. Đời sống nhân dân cũng còn nhiều khó khăn, số lượng người dân có điện thoại thông minh cũng hạn chế; chủ yếu thực hiện dịch vụ công đều cần sự giúp đỡ của lực lượng công an và Nghĩa đã làm rất tốt công việc này” - Thiếu tá Nguyễn Phi Long cho biết.

Sự tin yêu, ủng hộ của nhân dân là điểm tựa để vượt khó

“Trong quá trình làm CSKV, với em niềm hạnh phúc nhất là được gần gũi nhân dân. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính đảm bảo an ninh trật tự, em còn được lắng nghe mọi câu chuyện vui buồn, thường ngày của các bác. Cuộc sống của người dân còn nghèo, nhưng tình cảm thì luôn đong đầy. Giúp đỡ, phục vụ nhân dân là trách nhiệm của người Công an xã. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Công an xã Hùng Tiến nói chung, bản thân em nói riêng được các cô, các bác hỗ trợ nhiệt tình vì em là nữ, khi xuống địa bàn đôi khi thiếu sự mạnh mẽ của nam giới” - Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa chia sẻ.

Trở lại với công việc của người cán bộ Công an xã làm nhiệm vụ CSKV, Thượng úy Minh Nghĩa không thể nào quên câu chuyện của gia đình cụ bà N.T.T thôn Trung Hòa trong những ngày tháng thực hiện 2 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD.

Cùng lực lượng Công an bán chuyên trách đến tận nhà hướng dẫn nhân dân kích hoạt định danh điện tử...

Cùng lực lượng Công an bán chuyên trách đến tận nhà hướng dẫn nhân dân kích hoạt định danh điện tử...

“Trong gia đình ấy, cụ T là người duy nhất có thể đi lại, giao dịch với bên ngoài mặc dù năm nay đã ngoài 90. Cụ ông nằm liệt giường, người con gái trong nhà thần kinh không bình thường. Cụ T có người con gái lớn đã đi lấy chồng. Cả gia đình không có bất cứ một giấy tờ cá nhân liên quan nào vì giấy khai sinh của cụ T ghi ngày sinh 31-9-193x, một ngày không có thật” - Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa nhớ lại.

Cô đã nhiều lần xuống nhà bà T vận động bà đi làm lại giấy khai sinh, nhưng không ít lần cô phải gạt nước mắt ra về vì bà cụ dứt khoát không đổi ý. Người con gái lớn của cụ T biết chuyện đã tìm gặp Thượng úy Nghĩa, hứa sẽ cùng với cô, thuyết phục mẹ đổi ý.

Sự ủng hộ, tin yêu của người dân là điểm tựa để Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa và đồng đội vượt qua khó khăn khi làm nhiệm vụ của Công an xã
Sự ủng hộ, tin yêu của người dân là điểm tựa để Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa và đồng đội vượt qua khó khăn khi làm nhiệm vụ của Công an xã

Sau nhiều lần đi lại, cụ T đồng ý sang bộ phận tư pháp xã để làm lại giấy khai sinh ghi ngày 1-1-193x. “Hôm ấy, Công an xã thuê taxi đưa cả gia đình 3 người của cụ T về trụ sở Công an huyện làm CCCD. Gia đình cụ là những người cuối cùng trong diện đủ điều kiện cấp CCCD hoàn thành thủ tục trên địa bàn xã Hùng Tiến” - Thiếu tá Nguyễn Phi Long thông tin.

Trong câu chuyện đùa vui, chúng ta vẫn hay nhắc về những “camera chạy bằng cơm”, nhưng quả thực ở địa bàn xã Hùng Tiến, cán bộ Công an xã như Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có những người dân nhiệt tình, trách nhiệm như vậy.

Đặc thù địa bàn xã Hùng Tiến, trình độ dân trí chưa cao, ít có người thoát ly khỏi ruộng đồng nên khi có các chủ trương lớn như cấp CCCD hay kích hoạt định danh điện tử, người dân đều rủ nhau đi làm “nếu không thì thiệt”. Chỉ có một bộ phận nhân dân còn chưa hiểu rõ giá trị, lợi ích mà dữ liệu điện tử mang lại nên còn chậm trễ.

“Chính những người có tư tưởng mới thì lại cùng Công an xã thuyết phục người còn lại cùng đi hoàn thiện hồ sơ để thuận lợi hơn cho các giao dịch sau này. Trường hợp nào cố tình chây ì, các bác đều điện thoại báo cho Công an xã để thông tin rằng anh A, chị B đang ở nhà, đến đưa đi làm thủ tục cấp CCCD” - Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa chia sẻ.

Cô cũng cho biết, đó chính là động lực để chúng tôi vượt qua những phút giây nản chí với công việc của mình vì phía sau, ngoài sự ủng hộ của gia đình còn có người dân rất đáng kính trọng.

Tự hào khoác trên mình bộ sắc phục Công an xã, đến với Hội thi nữ CSKV tài năng Công an Thủ đô lần thứ Nhất năm 2023, ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cô mang một tiết mục tài năng với chủ đề “Tự hào tôi là Công an xã”. Đi cùng Thượng úy Phạm Thị Minh Nghĩa trong tiết mục dân vũ ấy có 10 người phụ trợ - là những người dân, cán bộ cơ sở nơi địa bàn cô công tác, càng thể hiện sự tin yêu của nhân dân dành cho người nữ cán bộ Công an xã làm công tác CSKV.