Sự thực việc Trung tâm nghiên cứu Syria bị trúng tới 76 quả Tomahawk

ANTD.VN - Theo công bố từ phía Hoa Kỳ, Trung tâm nghiên cứu Barzah của Syria đã bị san phẳng bởi 76 quả tên lửa hành trình Tomahawk, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng đương lượng nổ của chừng đó tên lửa phải tạo ra sức công phá to lớn hơn, nhận định trên liệu có chính xác? 

Như đã đề cập đến nhiều lần trước đó, hôm 14/4, Mỹ và liên quân Anh - Pháp đã thực hiện một vụ tập kích chớp nhoáng bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu bị cáo buộc là nơi sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học của Syria.

Những vũ khí được sử dụng trong đợt oanh kích gồm tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk cùng với tên lửa không đối đất AGM-158 JASSM và Scalp EG/ Storm Shadows.

Trong số các mục tiêu trên, Trung tâm nghiên cứu Barzah ở gần Damacus phải hứng chịu số lượng tên lửa lớn nhất, do đây là cụm công trình có quy mô lớn hơn cả.

Phía Mỹ công bố thông tin rằng đã có tổng cộng 76 quả tên lửa hành trình các loại của liên quân được phóng vào đây và tất cả đều trúng mục tiêu, đạt tỷ lệ chính xác tuyệt đối.

Thực tế những hình ảnh thu về từ hiện trường cũng cho thấy Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah đã trở thành một đống gạch vụn sau vụ tấn công.

Nhưng vấn đề gây thắc mắc đó là tại sao phải dùng tới 76 quả tên lửa cho mục tiêu này và đương lượng nổ của chừng ấy tên lửa có vẻ như không tương xứng với thiệt hại mà nó gây ra.

Nhưng nếu nhìn lại một vụ tấn công khác của Mỹ đó là trận ném bom "nhầm" đại sứ quán Trung Quốc trên đất Nam Tư hồi năm 1999 thì có lẽ nhiều người sẽ phải nghĩ khác.

Trong đêm 7/5/1999, một máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ, cất cánh từ căn cứ Whiteman AFB bang Missuri đã ném tổng cộng 5 quả bom thông minh JDAM loại 2000 bảng (khoảng 900 kg).

Phía Mỹ tuyên bố rằng mục tiêu của vụ ném bom trên là một cơ sở quân sự của Serbia, tuy nhiên vì "sai sót kỹ thuật" mà máy bay B-2 đã thả bom nhầm vào đại sứ quán Trung Quốc.

Bom JDAM 2000 có trọng lượng lên tới 900 kg, trong đó phần lớn là thuốc nổ do không phải mang theo động cơ, nhiên liệu bay như tên lửa hành trình.

Vụ nổ do bom JDAM 2000 gây ra chắc chắn phải lớn hơn rất nhiều những gì mà đầu đạn nặng 450 kg của tên lửa hành trình Tomahawk hay Storm Shadows gây ra.

Tòa nhà đại sứ quán Trung Quốc là một công trình có quy mô nhỏ hơn nhiều nếu đặt cạnh Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah của Syria.

Vậy nhưng dưới sức công phá của 5 quả bom JDAM 2000 thì tòa nhà chỉ bị sập một góc chứ không bị san phẳng hoàn toàn như công trình xây dựng của Syria.

Do vậy nếu nhìn vào mức độ thiệt hại trên đất Syria thì có vẻ con số 76 quả tên lửa hành trình của liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã rót trúng đích là có cơ sở, vì dù sao chúng đã xóa sổ hoàn toàn công trình trên.