Sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến Chiến tranh lạnh mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới ngày càng chia rẽ, nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh và có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Đây là thách thức đang nổi lên, đe dọa xu thế toàn cầu hóa vốn chi phối thế giới trong thời gian dài.

G7 xây dựng riêng chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược

Phát biểu tại họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa diễn ra tại Thủ đô Washington (Mỹ), Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo rằng, các nền kinh tế toàn cầu tập trung vào việc bảo vệ chuỗi cung ứng đang có nguy cơ dẫn đến một cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai. Theo bà Georgieva, an ninh về nguồn cung và chuỗi cung ứng toàn cầu đang được ưu tiên cao hơn trong các thảo thuận và quyết định về kinh tế. Lời cảnh báo của bà Georgieva được đưa ra trong bối cảnh cuộc họp hôm 12-4 vừa rồi của Bộ trưởng Tài chính Các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế, được thiết lập riêng lẻ giữa Nhật Bản và Mỹ cũng như giữa châu Âu và Mỹ để bao trùm toàn bộ nhóm G7.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF

Nhật Bản là nước được phân công nghiên cứu xây dựng một mạng lưới cung ứng hàng hóa chiến lược cho G7, bao gồm xác định một số hàng hóa cần thiết cho hoạt động kinh tế và thành lập các kho dự trữ. Các hàng hóa cần thiết gồm chíp, đất hiếm, dược phẩm… Đây là những loại hàng hóa có vai trò quan trọng với an ninh kinh tế nhưng có nguy cơ bị bị gián đoạn bởi những yếu tố như đại dịch Covid-19, khủng hoảng eo biển Đài Loan (Trung Quốc) hoặc xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Đi vào cụ thể, chíp là mặt hàng rất cần thiết cho việc sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng.

Hiện Đài Loan có thị phần sản xuất chíp hàng đầu toàn cầu, chiếm tỷ trọng hơn 20%. Nếu xét riêng mặt hàng chíp cao cấp, Đài Loan chiếm thị phần 90%. Để đối phó với nguy cơ nguồn cung chíp có thể bị gián đoạn trong trường hợp khủng hoảng xảy ra ở Đài Loan, G7 đặt mục tiêu xây dựng một mạng lưới giúp các thành viên có thể tiếp cận được một sản lượng chíp nhất định. Riêng Nhật Bản và Mỹ có kế hoạch nghiên cứu sản xuất hàng loạt chíp bán dẫn thế hệ tiếp theo để sử dụng trong máy tính lượng tử và các ứng dụng khác.

Liên quan đến đất hiếm, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về trữ lượng kim loại đất hiếm, được sử dụng trong nam châm và các linh kiện của ô tô và các sản phẩm tiên tiến khác. Các thành viên G7 không có trữ lượng đất hiếm lớn nên dễ bị Trung Quốc chi phối. Vì thế, G7 sẽ xây dựng chuỗi cung ứng riêng để thoát khỏi sự phụ thuộc này bằng cách mở rộng hợp tác với khu vực châu Phi và Nam Mỹ, nơi có trữ lượng tài nguyên khoáng sản dồi dào.

Theo hướng này, Japan Australia Rare Earths - một liên doanh giữa Công ty Sojitz và Tổ chức an ninh năng lượng và kim loại Nhật Bản (JOGMEC) sẽ đầu tư khoảng 200 triệu AUD vào khu mỏ Mount Weld của Công ty khai thác và chế biến đất Lynas Rare Earths ở miền Tây Australia nhằm bảo đảm tới 65% nhu cầu của Nhật Bản về dysprosium và terbi, hai nguyên tố đất hiếm được sử dụng để tăng cường khả năng chịu nhiệt của các nam châm neodymium mạnh, rất cần thiết để giảm kích thước của động cơ xe điện và turbine gió.

Dược phẩm và các sản phẩm công nghệ sinh học cũng có thể nằm trong kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược của G7. Một số sản phẩm trong lĩnh vực y tế được sản xuất phần lớn tại Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhiều nước phải dựa vào nguồn cung khẩu trang và quần áo bảo hộ từ Trung Quốc nên rất thiếu. Đây là điều mà G7 không muốn bị lặp lại trong tương lai.

Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phân mảnh

Việc bảo đảm các hàng hóa chiến lược trong bất cứ tình huống nào là điều mà bất cứ nước nào cũng phải quan tâm. Tuy nhiên, kế hoạch của G7 không chỉ nhằm giải quyết yêu cầu này mà còn nhằm tách G7 hoàn toàn khỏi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Đây chính là thách thức với xu hướng toàn cầu hóa vốn chi phối nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ qua mà nếu không ngăn chặn, nguy cơ bùng nổ Chiến tranh lạnh mới là điều khó tránh khỏi.

Trong cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh lạnh mới, hay một thế giới bị chia thành những phe cố định. Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình để cùng giải quyết các thách thức, ngay cả khi chúng tôi bất đồng gay gắt trong những lĩnh vực khác”. Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc nhưng phát biểu của ông Biden được cho là phản ánh những lo ngại xung quanh quan hệ căng thẳng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khẳng định: “Chúng ta bằng mọi giá phải tránh một cuộc Chiến tranh lạnh mới, viễn cảnh có thể nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn so với quá khứ. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi và thậm chí kinh nghiệm quá khứ để xử lý khủng hoảng cũng không còn nữa”. Ông Guterres bày tỏ lo ngại nguy cơ thế giới chia rẽ do căng thẳng Mỹ - Trung và kêu gọi hai bên cải thiện quan hệ.

Còn Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva thì kêu gọi: “Liệu chúng ta có thể tăng cường an ninh nguồn cung mà không đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới? Tôi nghĩ điều đó là có thể”. Tuy nhiên, trong thực tế, sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu diễn ra, nhất là giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc. Dưới áp lực của chính trị, các công ty nước ngoài bắt đầu rời khỏi Trung Quốc. Không chỉ do lao động Trung Quốc không còn rẻ nữa mà quan trọng hơn, sự tách biệt sâu sắc về công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington đang buộc các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tiên tiến, phải xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc bán chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nhằm cản trở những tiến bộ trong phát triển công nghệ cao, đặc biệt là liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Cánh cửa đối với các khoản đầu tư chọn lọc của Trung Quốc vào các nước phương Tây đang đóng lại. Các rào cản ngăn chặn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến công nghệ, đang tăng lên nhanh chóng. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào tháng 8-2022, chẳng khác nào với việc quay trở lại chính sách công nghiệp của Mỹ trong nỗ lực cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Trên bình diện quốc tế, các nước phương Tây nhấn mạnh ưu tiên cho các nguồn tài nguyên, kiểm soát thông tin liên lạc toàn cầu và xác định hệ thống dựa trên luật lệ toàn cầu, như trường hợp của IMF, WB và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ lâu đã có cảm giác rằng, các nước phương Tây bảo vệ hệ thống này miễn là nó mang lại lợi ích cho họ. Nhưng giờ đây, khi một số quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh hơn, sự áp đặt là không thể. Trong hệ thống này, phần còn lại của thế giới có thể yêu cầu ảnh hưởng tương ứng với tầm vóc ngày càng tăng của họ. Đây là những mâu thuẫn có nguy cơ chia cắt thế giới thành những phe, nhóm khác nhau.