Sứ mệnh nhân văn với tinh thần quốc tế cao cả của Công an và Quân đội nhân dân Việt Nam

ANTD.VN - Sau 7 ngày nỗ lực tham gia tìm kiếm, cứu nạn sau trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và lên đường về nước, kết thúc sứ mệnh nhân văn với tinh thần quốc tế cao cả.

Người dân địa phương cùng đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam tại vị trí tìm kiếm, cứu nạn.

Lần đầu tiên cử lực lượng cứu nạn, cứu hộ tới địa bàn cách xa Việt Nam

Trận động đất lịch sử tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria đã gây nên những thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 18-2, tổng số người thiệt mạng đã lên tới hơn 46.000 người, trong đó có 40.642 người tại Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này dự kiến sẽ còn tăng do có tới 345.000 căn hộ trong 90.609 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy hoàn toàn, hư hỏng nặng hoặc cần phá dỡ khẩn cấp.

Gần 90 nước với hơn 9.200 nhân viên cứu hộ đã đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm người bị nạn. Với tinh thần quốc tế cao cả, thể hiện tính nhân đạo, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử các đội cứu nạn, cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Đoàn công tác của Bộ Công an gồm 24 cán bộ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các trang thiết bị hiện đại. Đoàn của Bộ Quốc phòng gồm 76 người, trong đó 30 người thuộc đội công binh cứu sập, 30 người thuộc đội quân y, 9 người thuộc đội chó nghiệp vụ.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cử các đội cứu nạn, cứu hộ tới một địa bàn cách xa Việt Nam. Trước đây, chúng ta cũng đã từng sang giúp đỡ các nước khác nhưng là nước láng giềng với khoảng cách địa lý gần. Mặc dù nhận lệnh cấp tốc đến một địa bàn rất xa xôi với nhiều nguy hiểm, thách thức nhưng với tinh thần là đến để giúp nước bạn, 2 đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã quán triệt phải chủ động từ đầu đến cuối, từ những vấn đề nhỏ nhất, những điều kiện cần thiết phục vụ tác nghiệp trên hiện trường, hạn chế tối đa việc phụ thuộc trong khi phía bạn đang rối ren, phải tập trung lo cho người dân.

Về những ngày đầu tiên của chuyến công tác, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng đoàn công tác Bộ Công an, nhớ lại: “Sau khoảng thời gian 24 giờ bay, chúng tôi có mặt tại thành phố Adiyaman vào lúc 23h ngày 10-2. Đoàn chia thành 2 nhóm để nhanh chóng đi khảo sát hiện trường, đồng thời khẩn trương tìm điểm hạ trại, đóng quân và bốc dỡ toàn bộ hàng hóa xuống khỏi container. Đến gần 6h sáng 11-2, mọi khâu chuẩn bị hoàn tất với tất cả 24 giường, chăn gối cho đoàn được bố trí đủ cho cán bộ chiến sĩ nghỉ ngơi sau giờ làm việc”.

Triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn ngay từ 7h30 cho đến 18h30 cùng ngày, đoàn phát hiện được có dấu hiệu sự sống nơi hiện trường tìm kiếm. Trưởng đoàn Nguyễn Minh Khương khẳng định: “Việc giải cứu được thanh niên 17 tuổi ra khỏi khu vực đổ nát chính là bước ngoặt đầu tiên để lực lượng cứu hộ cứu nạn Bộ Công an tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 7 ngày trực tiếp có mặt trên hiện trường, đoàn đã đưa được 14 thi thể nạn nhân từ khu vực sập đổ ra bên ngoài và giao cho cơ quan chức năng”.

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng lên đường ngày 12-2. Ngay sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn di chuyển tiếp đến tỉnh Hatay ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ và bắt tay ngay vào công việc tìm kiếm người bị nạn. Tính tới chiều tối 18-2 (giờ Việt Nam), lực lượng cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam đã giúp nước bạn xác định được 14 vị trí có nạn nhân, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống.

Song song với công tác cứu hộ, cứu nạn, Đoàn của Bộ Công an còn tiến hành trao tặng các thiết bị y tế, thuốc men của lãnh đạo Bộ Công an đến Cơ quan quản lý tình huống khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD). Cùng với đó, Đoàn đã tổ chức nhiều lượt thăm hỏi, động viện và trao tặng những món quà nhỏ từ Việt Nam như mỳ tôm, lương khô… cho người dân xung quanh khu vực xảy ra sự cố.

Lời tri ân chân thành với đoàn công tác và đất nước Việt Nam

Ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ của các đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc đối với người dân nước sở tại. Đi đến đâu, các lực lượng của Việt Nam cũng đều nhận được tình cảm và lòng biết ơn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, người dân Thổ Nhĩ Kỳ luôn đặt tay lên ngực trái như một lời tri ân chân thành đối với đoàn công tác và đất nước Việt Nam và đây chính là nguồn động viên rất lớn để mỗi cán bộ chiến sĩ trong đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế cao cả này.

Chia sẻ cảm tưởng về chuyến công tác đặc biệt này, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh đây là chuyến công tác mang ý nghĩa rất nhân văn và tính quốc tế cao cả. Đó là sự hỗ trợ lẫn nhau trong hoạn nạn và Đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an Việt Nam đã làm được điều đó. Tinh thần cũng như vai trò đóng góp của đoàn Việt Nam đã được ghi nhận, trước hết là từ người dân sống xung quanh khu vực đoàn đóng quân, từ lực lượng tình nguyện viên, những người thường xuyên qua lại phối hợp với đoàn, đặc biệt là ghi nhận của chính quyền và các đơn vị quản lý khu vực, đơn vị điều phối thuộc Cơ quan quản lý tình huống khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ. Thông qua đó, chuyến công tác của đoàn sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối đoàn kết tốt đẹp giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Đó cũng chính là mục tiêu được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như Bộ trưởng Bộ Công an đặt ra cho đoàn trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Với Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó chánh Văn phòng thường trực Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Tổng chỉ huy lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, chính những ánh mắt và hành động cúi chào của người dân đã giúp các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác vơi đi mệt mỏi, quên mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành mục tiêu duy nhất là cứu người. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhấn mạnh tất cả các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam nói chung và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn có ý chí quyết tâm không sợ gian khổ và không sợ hy sinh để làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Điều này cũng khẳng định truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là động lực để các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn coi việc tìm kiếm người dân Thổ Nhĩ Kỳ như tìm kiếm chính người thân của mình.

Công việc tìm kiếm, cứu nạn người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất vẫn còn tiếp tục. Với những gì thể hiện trên thực tế, các đội cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cho thấy không chỉ có năng lực trình độ, mà còn cả sự cần mẫn, trách nhiệm trong suốt thời gian có mặt tại hiện trường, được các bạn Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng và đánh giá cao. Việc phối hợp giữa các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam với các đoàn quốc tế khác đã đem đến những bài học kinh nghiệm lớn, những trải nghiệm tốt cho các lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam.