Sứ mệnh đầy rủi ro

(ANTĐ) - Sau nhiều bàn cãi, Liên minh quân sự NATO cuối cùng cũng đã chấp nhận tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch quân sự tấn công Libya để chính thức lao vào một sứ mệnh được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sứ mệnh đầy rủi ro

(ANTĐ) - Sau nhiều bàn cãi, Liên minh quân sự NATO cuối cùng cũng đã chấp nhận tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch quân sự tấn công Libya để chính thức lao vào một sứ mệnh được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lên tiếng tối 24-3, Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen cho biết, sau nhiều ngày tranh luận, liên minh quân sự này đã nhất trí chỉ huy chiến dịch quân sự nhằm thực hiện vùng cấm bay tại Libya. Tuy ông Rasmussen không nói rõ thời điểm NATO tiếp quản quyền chỉ huy liên quân chống Libya từ tay Mỹ song các nguồn tin quân sự cho biết sẽ vào khoảng ngày 28 hoặc 29-3 này.

NATO tiếp quản quyền chỉ huy cuộc phiêu lưu quân sự nhiều rủi ro tại Libya

Tuyên bố của Tổng thư ký NATO khép lại cuộc tranh luận căng thẳng, gây chia rẽ trong nội bộ liên minh. Nhiều thành viên muốn tăng vai trò và ảnh hưởng của NATO thông qua việc đảm trách chỉ huy cuộc tấn công Libya thay Mỹ nhưng cũng có không ít thành viên, nhất là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, lại phản đối kịch liệt.

Những thành viên phản đối chẳng phải do sợ NATO không đủ sức đảm đương việc chỉ huy hay e ngại sự kháng cự của Libya. Phản đối vì lo liên minh quân sự này lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự tiềm ẩn những rủi ro khôn lường.

Có thể nói không kích hay duy trì "vùng cấm bay" trên không phận Libya chẳng khác nào cuộc dạo chơi đối với lực lượng quân sự vô cùng hùng hậu của NATO. Song mối nguy nhất lại chẳng đến từ trên không mà ở dưới mặt đất.

NATO có thể nghiền nát hoàn toàn lực lượng không quân, phòng không và cả binh lực Libya, thậm chí đánh đổ ông Muammar Gadhafi. Thế nhưng để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng tại Libya lại không phải chuyện dễ dàng.

Muốn xử lý cuộc khủng hoảng Libya, đưa đất nước này vào quỹ đạo dân chủ theo tiêu chí của phương Tây chẳng có cách nào khác là buộc phải giải quyết trên mặt đất. Trong khi đó, dù đã thò bàn tay sức mạnh can thiệp vào Libya nhưng cả Mỹ và NATO đều chưa nhìn thấy cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Lực lượng đối lập hiện nay ở Libya vừa quá yếu vừa chưa thể tin cậy để điều hành đất nước trong trường hợp chính quyền của ông Gadhafi bị lật đổ bằng sức mạnh bên ngoài. Nói cách khác, muốn xử lý đến cùng cuộc khủng hoảng Libya thì Mỹ và NATO không có sựa lựa chọn nào khác phải tự "xắn tay áo" lăn vào làm.

Thế nhưng, các "vũng lầy" Afghanistan và Iraq còn đang sờ sờ trước mắt khiến ai cũng phải rùng mình nếu lại phiêu lưu tại Libya. Nhà phân tích thời sự Robert Farley của tạp chí trực tuyến Chính trị thế giới (WPR) cho rằng cuộc chiến của liên minh phương Tây ở Libya hiện đã mang bóng dáng "mô hình chiến tranh Afghanistan".

Mạnh đến như Mỹ mà còn đang khốn khó, chưa rút được chân khỏi hai "vũng lầy" hao người tốn của tại Afghanistan và Iraq thì liệu NATO có đủ sức rút ra một cách ổn thoả nếu dấn thân vào? Libya có lẽ là một canh bạc quá mạo hiểm với NATO.

Hoàng Hà