Su-35 không còn cơ hội khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ?

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ sắp có tiêm kích F-16 phiên bản tiên tiến nhất của Mỹ, đây được xem như dấu chấm hết cho viễn cảnh Ankara mua Su-35 từ Nga.

Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua được tiêm kích F-16 Block 70 vào năm 2023 là rất cao, do những hạn chế trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) đã được chính quyền Mỹ dỡ bỏ.

Trước đó Mỹ đã từ chối việc hiện đại hóa phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như bán phiên bản F-16 mới. Lý do chính của những hạn chế cho đến nay là Ankara đã vi phạm không phận Hy Lạp bằng cách sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất.

Trong phiên bản mới của NDAA, bao gồm ngân sách quốc phòng cho năm 2023, các điều khoản do Hạ viện chỉ định nhằm hạn chế việc mua F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Do đó, dự định bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể triển khai. Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến việc mua máy bay chiến đấu mới mà còn tác động đến quá trình hiện đại hóa phi đội F-16 Fighting Falcon của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 máy bay chiến đấu F-16 Block 70 mới, cũng như nâng cấp ít nhất 79 tiêm kích thuộc thế hệ cũ hơn. Bất chấp việc dỡ bỏ lệnh cấm, dự kiến ​​​​sẽ có sự phản đối từ một số thành viên Quốc hội đối với việc bán vũ khí cho Ankara trong những tháng tới.

Thượng nghị sĩ bang New Jersey - ông Bob Mendes thuộc đảng Dân chủ đã nhiều lần tuyên bố sẽ làm mọi cách để cản việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhận xét, ông Mendes là người chống Ankara và thân cận với những người vận động hành lang của Hy Lạp ở Mỹ.

Ankara không hài lòng với thái độ của Washington trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi các phiên bản trước của NDAA áp đặt những hạn chế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này thậm chí nghiêm trọng đến mức Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thậm chí còn “đe dọa” các đối tác của mình từ Washington rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng quay sang Pháp hoặc Nga.

“Mỹ không đơn độc trong việc bán máy bay chiến đấu. Vương quốc Anh, Pháp và Nga cũng đang cung cấp chúng. Có thể lấy những phương tiện này ở nơi khác và một số nhà sản xuất đã gửi tín hiệu cho chúng tôi”, ông Erdogan nói.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hiện đại hóa một phần phi đội tiêm kích F-16. Một radar AESA bản địa đã được phát triển trong nước, mà Ankara tuyên bố sẽ được tích hợp vào F-16 bên cạnh các máy bay không người lái tấn công mới.

Ankara dần bắt đầu thay thế các tên lửa không đối đất và không đối không của Mỹ bằng các những loại đạn dẫn đường tương đương do nước này sản xuất, chủ yếu được Roketsan phát triển.

Sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào các nhà sản xuất phương Tây bắt đầu giảm dần. Không chỉ Mỹ đang thất thế khi từ chối bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây.

Động cơ Safran của Pháp cũng sẽ bị loại bỏ khỏi tên lửa hành trình của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi những sản phẩm khác đáp ứng yêu cầu đã được phát triển tại địa phương.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển động cơ cho cả dự án xe tăng chiến đấu chủ lực Altai và dự án máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo TF-X. Quốc gia này hiện có các loại tên lửa nội địa tương đương với hầu hết mọi tên lửa hành trình được mua trong nhiều năm từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Việc loại bỏ các điều khoản hạn chế trong NDAA mở ra cơ hội cho Washington phục hồi thị trường đã mất trong những năm gần đây. Các cuộc đàm phán bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiến hành từ năm ngoái.

Một bước ngoặt là cuộc gặp cuối cùng về chủ đề này vào tháng 8 năm nay, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận trách nhiệm trước người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc Washington sẽ cung cấp máy bay chiến đấu, đây được xem là dấu chấm hết cho hy vọng bán Su-35S của Nga.