Sông Hồng sạt lở, dân sống trong lo sợ

ANTĐ - Mực nước lũ lên cao, cùng với các nhà máy thủy điện xả lũ, đã tạo dòng chảy xiết khiến nhiều nhà cửa ven sông Hồng, sông Đuống bị cuốn trôi. Những nhà còn lại mấp mé bên bờ, người dân sống trong nơm nớp lo lắng.

Nhiều hộ dân đang sống trong nguy hiểm

Nỗi lo sạt lở thường trực

Đầu tháng 8, nước sông Hồng lên cao, chảy xiết, khiến nhà cửa của một số hộ dân sinh sống ở đường Bạch Đằng (Chương Dương, Hoàn Kiếm) lung lay. Ngôi nhà cấp 4 của chị Phạm Thị Sen ở tổ 82, ngõ 639, đường Bạch Đằng một phần móng đã bị nước cuốn sâu vào bên trong cả mét, chiều dài tới 3-4m, phần còn lại đang nằm trên diện tích đất bị sạt lở, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chị Sen cho biết, gia đình chị sống tại đây hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ xảy ra sạt lở như vậy. Gần đây gia đình phải sang nhà hàng xóm ở nhờ. “Nửa đêm đang ngủ, tôi nghe tiếng động lạ. Hai vợ chồng dậy xem thì mới biết, nhà mình sắp bị “hà bà” nuốt trôi”, chị Sen nhớ lại.

Theo UBND phường Chương Dương, hiện, trên địa bàn phường có 49 hộ nằm trong khu vực sạt lở, trong đó có 6 hộ cần phải di dời khẩn cấp nhưng chưa có kinh phí để thực hiện. Trước mắt, chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân cam kết di dời đồ đạc đến nơi an toàn, tổ chức canh gác và cắm biển báo tại khu vực sạt lở suốt ngày đêm. Ông Lê Trung Sơn, Phó Chủ tịch phường này cho biết: “Chính quyền địa phương đã đề nghị nhân dân chủ động phòng tránh, cảnh giác và chủ động sơ tán, tìm nhà người quen để đem gửi đồ đạc, người già và trẻ con. Ngoài ra ủy ban phường cũng đã lập sẵn phương án có thể phải di dời dân khi cấp bách, những điểm di dời cũng đã được tính đến”.

Là khu vực năm nào cũng xảy ra sạt lở, người dân thuộc tổ 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, cả tháng nay phải sống trong lo sợ lũ có thể lấy nhà cửa, thậm chí tính mạng bất kỳ khi nào. Anh Nguyễn Bá Dũng - số nhà 545, ngõ 405, tổ 38, phường Ngọc Thụy cho biết, nhà anh vừa bị sạt lở bờ sông cách đây mấy hôm. Anh phải dùng bao tải đất và tre để gia cố thêm chỗ sạt lở. Tại chỗ bị sạt lở, những vết nứt kéo dài đến hơn 30m, chạy dọc vườn, đất của 4 hộ dân. Đất xói lở thành hàm ếch ăn sâu vào chân tường nhiều nhà dân. Khu chăn nuôi của gia đình anh Dũng đã bị cuốn trôi xuống sông. “Dạo này nghe cũng tạm ổn rồi, trưa đến thì đưa vợ con về nhà ăn cơm. Còn tối chỉ có một mình tôi ở đây thôi. Sợ thì cũng sợ nhưng sống ở đây bao năm nên cũng quen rồi. Nếu tiếp tục sạt lở, chính quyền di dân thì lúc ấy mới tính đến nước chuyển đi”, anh Dũng nói.


Cọc tre, tải đất có chống được “hà bá”?

Phần lớn người dân ở đây đều cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở, nhưng cơ bản nhất vẫn do nạn khai thác cát bừa bãi trên sông. Theo ông Nguyễn Hữu Truyền, tổ trưởng dân phố 38, phường Ngọc Thụy, tình trạng sạt lở khu vực này hàng năm đều xảy ra nhưng chưa năm nào thiệt hại nặng nề như năm nay. Sạt lở đã kéo nhiều đất đá, cây cối của một số hộ gia đình ra sông. Cuộc sống của các gia đình hiện đang bị đảo lộn, gặp khó khăn. Còn ông Đặng Việt Phương, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã cử người xuống địa bàn đánh giá tình hình và đưa ra phương án giải quyết. Tuy nhiên, từ sau đợt sạt lở lớn diễn ra hồi đầu tháng 7, đến nay tình hình tạm yên ổn. Hơn nữa, sạt lở cũng chỉ diễn ra trên phần đất mặt, phần chân không bị ảnh hưởng. Theo ông Phương, chính quyền đã huy động các lực lượng đóng cọc tre ở khu vực sạt lở để giúp gia cố, giảm bớt sạt.

Sạt lở ở khu vực Ngọc Thụy, Ngọc Lâm năm nào cũng diễn ra vào mùa nước lũ. Mỗi năm, lũ lại lôi theo nhà cửa, hoa màu của vài hộ dân, đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ sống ven sông. Cọc tre, tải đất không thể chống chọi lũ dữ, điều cần làm là chính quyền cần nhanh chóng kết hợp với các cơ quan chức năng, xác định mức độ nguy hiểm để di dời các hộ dân về nơi ở mới, giúp họ ổn định cuộc sống. Thêm vào đó, cần xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông.