- Quy hoạch lưu vực sông Hồng-Thái Bình: Đảm bảo an ninh nguồn nước, phục hồi mực nước sông Hồng
- Địa phương “kêu” nước sông Nhuệ- Đáy ô nhiễm nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên nói gì?
- Hà Nội lên phương án nạo vét 30,8km sông Nhuệ chảy qua 6 quận huyện
Trao đổi với báo chí sáng nay 21/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng.
Theo Thứ trưởng Hiệp, các dòng sông lớn ở nước ta hiện nay đều có tình trạng chung là "tụt" đáy do ở thượng nguồn làm công trình thủy điện, hồ chứa… và khai thác cát thiếu kiểm soát, dẫn đến lòng dẫn bị hạ xuống. Trong đó, đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và ĐBSCL.
Đối với sông Hồng, càng ngày lòng dẫn càng có nguy cơ bị hạ thấp. Cách đây 10 năm, các hồ thủy điện ở miền Bắc chỉ cần xả khoảng 1-2 tỷ m3 là đủ nước tưới cho vụ đông xuân. Nhưng đến gần đây, do lòng sông Hồng bị hạ thấp nên gần như các trạm bơm không lấy được nước (do đường ống hút ngắn và nằm ở cốt cao).
Năm 2024, để lấy được nước, Bộ NN&PTNT và các địa phương phải làm lại gần như các trạm bơm (nối dài đường ống hút).
|
Nước sông Hồng ngày càng xuống thấp, lòng sông bị tụt sâu |
Theo ông Hiệp, đây là vấn đề rất lớn, không chỉ riêng với sông Hồng mà với nhiều dòng sông khác trên cả nước, cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao đáy sông lên. Nếu không nâng được đáy sông thì phải nâng mực nước lên.
Ông Hiệp cho rằng, để nâng mực nước sông Hồng thì có nhiều giải pháp có thể tính đến, nhưng giải pháp đầu tiên là thiết kế các đập dâng.
Dù vậy, ông Hiệp cũng chia sẻ, khi làm đập dâng thì không tránh khỏi những "tác dụng phụ" không mong muốn, như làm dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, tác động tới hệ sinh thái, sinh vật… Trong đó có cả vấn đề chất lượng nước khi vận hành nếu không tính toán kỹ địa điểm xây đập. Do đó, phải tính toán để việc xây đập dâng không hoặc ảnh hưởng ít nhất đến môi trường, hệ sinh thái.
"Mặc dù có những mặt trái và tác động, nhưng chúng ta không thể không làm. Việc xây đập trên sông Hồng không phải chỉ để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng, mà việc xây đập sông Hồng còn đảm bảo môi trường nước cho Hà Nội và các khu vực xung quanh" - ông Hiệp chia sẻ.
Khi nước sông Hồng dâng lên thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ trở lại dòng chảy tự nhiên như xưa. Thậm chí có thể bổ cập nước cho những dòng sông "chết" như sông Tô Lịch. Nhờ đó, sẽ giải quyết được vấn đề môi trường. Việc này là rất quan trọng bởi muốn các dòng sông "sống" lại như xưa thì phải xây dựng đập dâng sông Hồng.
Thứ hai, trong Quy hoạch Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch thành phố hai bên sông không thể xây dựng thành phố hai bên sông mà nhìn mãi không thấy sông, thấy nước.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin thêm, để thực hiện ý tưởng xây dựng đập dâng sông Hồng, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước và đã nghiệm thu vào năm 2020. Trong Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý đưa vào để triển khai.
"Chúng tôi đang dự kiến cùng UBND TP Hà Nội nghiên cứu để đưa dự án đập dâng sông Hồng vào thực hiện. Theo đề xuất, sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030", ông Hiệp thông tin.