Sóng gió lại nổi

(ANTĐ) - Vụ bắt giữ những người bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga nhiều nhất từ trước tới nay trên đất Mỹ có thể làm dấy lên cơn sóng gió mới trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva.

Sóng gió lại nổi

(ANTĐ) - Vụ bắt giữ những người bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga nhiều nhất từ trước tới nay trên đất Mỹ có thể làm dấy lên cơn sóng gió mới trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva.

Các phóng viên phỏng vấn những người hàng xóm của cặp vợ chồng Richard và Cynthia Murphy tình nghi làm gián điệp cho Nga sống ở Virginia
Các phóng viên phỏng vấn những người hàng xóm của cặp vợ chồng Richard và Cynthia Murphy tình nghi làm gián điệp cho Nga sống ở Virginia

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 28-6 cho biết Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phá mạng lưới gián điệp mà họ cho là của Nga tại nước này. Các nhân viên FBI đã đồng loạt bắt giữ 10 người bị tình nghi là gián điệp nằm vùng lâu năm làm việc cho Cơ quan tình báo Nga (SVR) song vẫn có 1 người trốn thoát.

Không chỉ là mạng lưới gián điệp với số lượng người bị bắt giữ nhiều nhất từ trước tới nay mà phương thức hoạt động cũng khác với nhiều gián điệp trước đây. Những người tình nghi đã dùng hộ chiếu giả, tên giả nhập cư vào Mỹ từ hàng chục năm trước, đi học và làm những công việc bình thường để tạo vỏ bọc chắc chắn, hoạt động lâu dài thông qua việc kết thân với giới chính trị, kinh doanh, nhà khoa học...

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, việc bắt giữ những người tình nghi trên là kết quả của một cuộc điều tra sát sao, theo dõi nhất cử nhất động của tất cả các thành viên mạng lưới gián điệp. FBI đã cài máy nghe trộm, đặt máy quay video bí mật vào nhà ở, nơi làm việc, nghe trộm điện thoại, xem trộm e-mail... cũng như theo sát từng bước chân của những người tình nghi, kể cả khi ra nước ngoài.

Phương thức hoạt động của mạng lưới gián điệp rất tinh vi như sử dụng phần mềm mã hóa thông tin qua hình ảnh đăng lên các trang web công cộng để chuyển tải thông điệp, trao đổi thông tin bằng việc dựng một mạng lưới không dây giữa hai chiếc máy tính xách tay... Song cũng có khi rất cổ điển như chôn tiền ở công viên để điệp viên đến lấy.

Thông tin được mạng lưới gián điệp quan tâm tìm hiểu rất sâu rộng, từ bom phá boongke hiện đại nhất, quan điểm của Mỹ với Hiệp ước START-2... cho tới phương hướng xử lý chương trình hạt nhân của Iran. Nhóm cũng nhận được chỉ thị quan tâm tới nội tình Nhà Trắng, sự thuyên chuyển giới lãnh đạo Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Ngày 28-6, nhóm nghi phạm 5 người sống ở New York đã phải ra một toà án liên bang ở Manhattan. Được biết, cả 10 nghi can đều bị truy tố về tội làm việc cho chính phủ nước ngoài mà không thông báo với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ với khung hình phạt tối đa là 5 năm tù. 9 người bị truy tố thêm tội rửa tiền với mức hình phạt tối đa là 20 năm tù.

Vụ bắt giữ những người cáo buộc làm gián điệp cho Nga diễn ra chỉ sau 3 ngày sau cuộc gặp được mô tả là "ngoại giao humberger" giữa Tổng thống B.Obama và Tổng thống  D.Medvedev, trong đó ông Obama coi ông Medvedev là "đối tác đáng tin cậy và  vững chắc". Hai nhà lãnh đạo cũng thoả thuận mở rộng hợp tác về tình báo và chống khủng bố.

Ông Sergei Ivanov, người đứng đầu SVR, từ chối bình luận về vụ việc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông chưa nhận được thông tin chính thức song đã yêu cầu Washington giải thích vụ bắt 10 người này.

HOÀNG TUẤN