“Soi lại”… tăng trưởng

(ANTĐ) - Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, nhiều ‎ kiến cho rằng, Chính phủ đã có nhiều thành công trong công việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bằng chứng là đã đạt và vượt 16 trong số 21 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Những con số khả quan như xuất khẩu tăng 19,1% so với kế hoạch 6%; tốc độ GDP khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% so với kế hoạch 7%... Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn nên “soi lại” cách tính tăng trưởng của nước ta.

“Soi lại”… tăng trưởng

(ANTĐ) - Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, nhiều ‎ kiến cho rằng, Chính phủ đã có nhiều thành công trong công việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bằng chứng là đã đạt và vượt 16 trong số 21 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Những con số khả quan như xuất khẩu tăng 19,1% so với kế hoạch 6%; tốc độ GDP khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% so với kế hoạch 7%... Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn nên “soi lại” cách tính tăng trưởng của nước ta.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi: Yếu tố nào làm cho tăng trưởng xuất khẩu vượt hơn ba lần so với kế hoạch? Do giá cả thế giới tăng hay do nội lực tăng? Hàng chục năm nay, nước ta chọn con đường khuyến khích xuất khẩu với mục tiêu giảm nhập siêu, nhưng hiện nay tình trạng nhập siêu vẫn chưa giảm dù xuất khẩu tăng cao, nguyên nhân do nước ta phải nhập tới 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu.

Vì thế, tuy xuất khẩu được nhiều kim ngạch lớn, xong thực chất không mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế. Một ủy viên của Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần có một cách tiếp cận mới khi tính giá trị tăng trưởng, tức là phải trừ đi các thiệt hại đối với nền kinh tế như hạ tầng yếu kém, ách tắc giao thông, thiên tai dịch bệnh. Đơn cử, ngành điện thiếu điện và cắt điện triền miên nhưng trong cách tính tăng trưởng trong báo cáo chưa thể hiện các thiệt hại trong các lĩnh vực do việc cắt điện gây ra.

Tương tự trong các con số tăng trưởng chưa phản ánh các thiệt hại về ô nhiễm môi trường trong các khu vực công nghiệp, khu chế xuất. Như vậy, việc “soi lại” tăng trưởng để “mổ xẻ” và tìm ra con số thực trong tăng trưởng, sau đó mới định hướng tăng trưởng bền vững cho năm 2011 và những năm tiếp theo. Hầu hết các thành viên của Ủy ban Kinh tế khẳng định không quá khó để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2011 là 7-7,5%. Tuy thế, cần cân nhắc tiếp tục thực hiện chính sách đang thực thi từ đầu năm 2010 là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô: Một số ủy viên Ủy ban Kinh tế nhận định, năm 2011 phải sửa bằng được những khiếm khuyết trong công việc điều hành kinh tế.

Ví như chính sách “giật cục”, ban hành xong không thi hành, khi thi hành, triển khai lại “đẻ” ra những bất cập. Từ nay đến cuối năm đang đặt ra thách thức trong công tác điều hành kinh tế, trong đó nổi cộm nhất là kiểm soát lạm phát cao. Với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 là 5,15%, Việt Nam vẫn khá cao so với 2,3% của Malaysia, Philippines 4%, Thái Lan là 2,9%... Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến động mạnh chỉ số này là sự tăng lên theo kiểu “đến hẹn lại lên” của một số hàng hóa trong rổ hàng hóa đặc thù như điều chỉnh giá xăng dầu, giá gạo...

Trong con mắt của giới quan sát đã đến lúc Việt Nam cần phải “nhập khẩu” khái niệm chỉ tiêu lạm phát cơ bản vào hệ thống chỉ tiêu tính toán chỉ số giá tiêu dùng cũng như chỉ tiêu lạm phát. Lâu nay, nước ta thường sử dụng thuật ngữ hết sức chung chung “Duy trì lạm phát ở mức một con số”, một cụm từ vốn dĩ chứa đựng nhiều hoài nghi hơn là tin tưởng. Nó dường như mới chỉ chú trọng tạo ra hành lang an toàn cho các cấp quản lý Nhà nước hơn là bảo vệ tính hiệu quả của nền kinh tế. Bởi thế, nên mạnh dạn chuyển sang sử dụng thuật ngữ “lạm phát tích cực”, nhằm xác định rõ thái độ ứng xử chủ động, tích cực.

Khái niệm “lạm phát tích cực” chính là cách “soi lại” mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng; đồng thời là nhân tố “bôi trơn” guồng máy kinh tế hoạt động tích cực nhất, vừa phòng ngừa lây lan tâm lý bất ổn, thiếu lòng tin.

Đan Thanh