Sóc Sơn (Hà Nội): Đấu giá hơn 8.800 m2 đất ở với tổng số tiền 342 tỷ đồng

ANTD.VN - UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện điều tra, rà soát về sử dụng đất lâm nghiệp trong phạm vi quy hoạch gắn với xác định ranh giới chủ quản lý, ranh giới thửa đất, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh quy hoạch rừng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn thông tin tại hội nghị

Chiều 1/11, tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ công tác báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, huyện Sóc Sơn đã thông tin về kết quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý đất đai năm 2024.

Thông tin tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, dịch vụ tăng 12,3%.

Thu ngân sách 10 tháng đạt 1.721,104 tỷ đồng,bằng 96% so với dự toán giao và bằng 131% so với cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 29/10/2024 đạt 1.110,438 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch giao và bằng 104% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhấn mạnh về công tác quản lý đất đai, ông Nguyễn Nam Hà cho biết, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được nhiều kết quả: Cơ bản đã khắc phục hoàn thiện sổ quản lý đất đai; tích cực phối hợp với Sở TN&MT hoàn thiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;

Ban hành quyết định phê duyệt đề án chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được giao của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ; công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định;

Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi; nhiều khó khăn, vướng mắc xin ý kiến Thành phố đã được kịp thời tháo gỡ, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án của Trung ương, Thành phố trên địa bàn.

Trong năm 2024, cơ bản hoàn thành công tác đăng ký đất đai các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn; cấp 210 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; thu hồi 81.10 ha đất, phê duyệt, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 464,9 tỷ đồng, hoàn thành công tác GPMB đối với 18 dự án; tổ chức đấu giá đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tổng diện tích 8.815m2, tổng số tiền trúng đấu giá 342,94 tỷ đồng.

Tập trung giải quyết tồn tại nếu trong các kết luận thanh tra (giao đất giãn dân tại xã Phù Linh cho 09/14 hộ; tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo Thông báo số 23/TB-UBND trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn).

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng được tăng cường, phát huy hiệu quả của Tổ trực đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về trật tự xây dựng, vi phạm đất đai của công dân trên địa bàn huyện.

Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng: Đến nay, đã thực hiện xong công tác rà soát hiện trạng rừng theo Kế hoạch số 57/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo.

Qua rà soát, đã chỉ ra những bất cập khi chồng ghép với các bản đồ: Quy hoạch chung huyện Sóc Sơn đến năm 2030, Bản đồ kiểm kê đất đai năm 2019; Bản đồ quản lý đất đai năm 1993; Bản đồ kiểm kê rừng năm 2015; UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện điều tra, rà soát về sử dụng đất lâm nghiệp trong phạm vi quy hoạch gắn với xác định ranh giới chủ quản lý, ranh giới thửa đất, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh quy hoạch rừng và phân loại 3 loại rừng trên địa bàn huyện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Sóc Sơn cũng thừa nhận, dù đã tập trung chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện nhưng hồ sơ quản lý đất đai tại các xã, thị trấn trên địa bàn các xã, thị trấn còn thiếu;

Công tác lưu trữ hồ sơ quản lý đất đai chưa được đầy đủ, chất lượng hồ sơ quản lý đất đai sau khi các xã, thị trấn hoàn thiện chưa được cao. Công tác GPMB tại một số dự án còn chậm tiến độ;

Nguyên nhân do, việc triển khai thực hiện Luật đất đai 2024 còn nhiều khó khăn; Hồ sơ quản lý đất đai (sổ sách, bản đồ) thiếu, chưa cập nhật, thiếu bàn giao đầy đủ qua các năm; bản đồ tổng thể năm 2017 chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu để phục vụ công tác quản lý; hồ sơ dồn điền đổi thửa quản lý chưa tốt; Đội ngũ cán bộ địa chính thiếu, thường xuyên điều động, luân chuyển; một số chủ đầu tư dự án chưa chủ động báo cáo khó khăn, vướng mắc, nắm bắt, đôn đốc tiến độ đảm bảo kế hoạch đề ra.