Sợ “tai xanh” - người dân thờ ơ với thịt lợn

(ANTĐ) - Mặc dù dịch lợn "tai xanh” mới chỉ xuất hiện ở miền Trung và mới tràn vào TPHCM, chưa xuất hiện ở Hà Nội, nhưng do tâm lý, người dân Hà Nội đang có xu hướng hạn chế ăn thịt lợn.

Sợ “tai xanh” - người dân thờ ơ với thịt lợn

(ANTĐ) - Mặc dù dịch lợn "tai xanh” mới chỉ xuất hiện ở miền Trung và mới tràn vào TPHCM, chưa xuất hiện ở Hà Nội, nhưng do tâm lý, người dân Hà Nội đang có xu hướng hạn chế ăn thịt lợn.

Thịt lợn ế ẩm - người bán hàng chán nản

Vắng khách, người bán uể oải (Ảnh minh họa)

Vắng khách, người bán uể oải (Ảnh minh họa)

Chị Phạm Thị Loan, chủ cửa hàng bán thịt lợn tại chợ Hàng Bè cho biết: “Hơn một tuần nay, thịt lợn ế ẩm, hàng bán ra không được mấy, ngày chưa tiêu thụ được một nửa so với thời gian trước. Không chỉ riêng mình quầy của tôi ế ẩm, mấy quầy bên kia cũng "rứa", chả hơn gì”.

Liên tiếp các thông tin liên quan đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm như: cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh... đã khiến người dân cảnh giác hơn, thói quen mua hàng cũng trở nên khắt khe hơn trước rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Lan, bán hàng ở chợ Thành Công uể oải: “Từ khi có tin dịch lợn tai xanh, người tiêu dùng rất cảnh giác, trước khi mua, họ còn sờ miếng thịt, lật đi lật lại và “tra hỏi” đủ kiểu, nào là “lợn có bị dịch “tai xanh” không?”, "đã qua kiểm dịch chưa?" “có giấy chứng nhận của cơ quan kiểm dịch không?”… Khi mua, họ cũng dè dặt, chỉ lấy vài lạng, không lấy nhiều như trước.

Trước nhiều luồng thông tin về lợn bệnh, một số người tiêu dùng thì tỏ ra e ngại khi sử dụng thịt lợn, có người thì tẩy chay hẳn "cho an toàn", thay vào đó họ chuyển sang ăn cá, thịt bò, hoặc gia cầm sạch.

Bà Phan Thị Lành ở Giảng Võ cho biết: “Từ khi nghe tin dịch lợn “liên cầu”  hay “tai xanh” gì đấy, gia đình tôi đã ngừng ăn thịt lợn mà chuyển sang ăn cá, tôm cua hay thịt bò cho có chất đạm, bên cạnh đó ăn thêm vào như đậu phụ, rau quả”.

Cũng như bà Lành, chị Tạ Thị Ánh, nhà ở  Đê La Thành cũng hết sức cảnh giác khi mua thực phẩm: "Thực ra tôi cũng lo dịch bệnh khi ăn thịt lợn, nhưng dù sao đó cũng là thực phẩm chủ đạo nên gia đình tôi cố gắng hạn chế chứ không "thôi hẳn" được".

Qua chế biến, nguy cơ mắc bệnh có còn?

Trên thực tế, khi những người bán hàng thịt trong chợ đang kêu ca, than vãn vì hàng ế ẩm, thì những người bán hàng đồ ăn sẵn, chế biến từ thịt lợn như nem chua, giò chả vẫn có mức tiêu thụ như bình thường.

Chị Nụ, bán giò chả ở chợ Thành Công cho biết: "So với thời điểm trước, mức bán giò, chả có giảm đôi chút, nhưng tôi nghĩ có khi đó không phải do dịch lợn gì đó mà là do thời tiết nóng người dân ít ăn”.

Bên cạnh đó, trong thời gian này, bất kể có tin nhiễm bệnh từ lợn dịch hay không, nem chua vẫn là "món" được tiêu thụ mạnh ở các nhà hàng và các quán bia. Tại các quán bán nem chua rán trên đường Cửa Bắc, Nghĩa Tân… khách hàng vẫn ra vào tấp nập.

Chị Hoa, chủ cửa hàng bán nem chua rán ở phố Cửa Bắc tiết lộ: "Tôi có biết tin dịch lợn tai xanh, nhưng thấy thời gian gần đây, số lượng nem rán ở cửa hàng tôi không giảm, vẫn tiêu thụ bình thường, khoảng 600 đến 700 chiếc nem chua/ 1 ngày".

Vậy phải chăng qua công đoạn chế biến, nguy cơ mắc bệnh từ thịt lợn cũng không còn?

Theo các chuyên gia dịch tễ, đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định người ăn thịt lợn mắc bệnh “tai xanh” đã được nấu chín có thể bị nguy hiểm đến sức khỏe.

Các chuyên gia chỉ khuyên rằng không nên ăn thịt tái hoặc sống vì khi đó vi khuẩn vẫn tồn tại trong thịt và có thể gây bệnh cho người, đặc biệt không nên ăn tiết canh lợn, nên thận trọng khi chế biến đồ ăn từ thịt lợn chứ không nên "tẩy chay" thịt lợn.

Thu Hà