Số ca mắc sởi đang giảm

ANTĐ - Sau khi Bộ Y tế cùng UBND TP Hà Nội triển khai tích cực các biện pháp phân tuyến, lập bệnh viện vệ tinh và đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông, tín hiệu tích cực đã đến khi 3 ngày nay lượng bệnh nhi vượt tuyến đã giảm. Rất nhiều bệnh nhân mắc sởi đã yên tâm điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân sởi tại 
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bệnh viện tuyến trên bớt quá tải

Ngày 21-4, các đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra tại một số bệnh viện, địa phương về công tác phòng chống dịch sởi, trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kiểm tra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đống Đa và làm việc với UBND TP Hà Nội. Qua kiểm tra, giám sát tại các bệnh viện, Bộ trưởng cho biết, tín hiệu tích cực nhất đến thời điểm này là các biện pháp phân tuyến, giảm quá tải cho ổ dịch sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt đầu có hiệu quả. Nếu như trong tuần trước, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 30-40 ca sởi mới thì 3 ngày gần đây, số nhập viện mới chỉ còn khoảng 5 ca/ ngày. 

Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện số trẻ mắc sởi vào viện mới đã giảm hẳn, không còn nhiều ca bệnh nặng. Trước bình quân mỗi ngày 15-20 ca sởi mới nhập viện, nay chỉ còn dưới 10 ca/ ngày. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện đã tổ chức phân luồng khu vực khám hô hấp để giải quyết nhanh các bệnh nhân mắc bệnh lý này, những bệnh nhân nặng mới cho nhập viện còn các bệnh nhân nhẹ được tư vấn, hướng dẫn về Bệnh viện Thanh Nhàn và Đống Đa. Đa số bệnh nhân đã yên tâm về tuyến dưới điều trị, không đòi nhập viện trung ương bằng mọi cách như trước.

Ngược lại với tuyến trung ương, tại các bệnh viện của Hà Nội, lượng bệnh nhân sởi vào điều trị đã tăng lên nhưng chủ yếu là bệnh nhân được chuyển về từ Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, dù có thêm một số bệnh nhân từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển về nhưng do bệnh viện đã kê thêm 50 giường phục vụ điều trị bệnh nhân sởi nên tình trạng quá tải không nghiêm trọng. Còn tại Bệnh viện Đống Đa, ngày cao điểm có tới 18 bệnh nhân sởi được chuyển về từ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Không chỉ bệnh nhi, khu điều trị người lớn mắc sởi cũng quá tải

Dịch vẫn trong tầm kiểm soát

Đánh giá cao nỗ lực và sự vào cuộc tích cực của Hà Nội trong việc phòng chống dịch sởi thời gian qua, tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc Hà Nội không công bố dịch sởi là hợp lý. Theo Bộ trưởng, tuy tình hình dịch sởi của Hà Nội nặng nhất, chiếm 1/3 số ca mắc và 50% số ca tử vong do sởi của cả nước nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Lý do vì 3 ngày nay số ca mắc sởi mới đã giảm, từ ngày   14-4 đến nay không có thêm ca tử vong. Toàn bộ 14 ca tử vong do sởi của Hà Nội cũng đều là tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hoàn toàn có thể do bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Qua kiểm tra tại 4 bệnh viện của Hà Nội mới đây, các đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đánh giá cao khả năng kiểm soát, chống nhiễm khuẩn, chất lượng điều trị sởi của các bệnh viện này. Chưa kể việc nếu Hà Nội công bố dịch sởi sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề kinh tế, an sinh xã hội… 

Hiện tại, chiến dịch tiêm vét vaccine sởi của Hà Nội đang đạt được những hiệu quả rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, chỉ vài ngày qua, lượng trẻ được tiêm vét vaccine sởi của Hà Nội đã tăng mạnh. Hiện lượng trẻ tiêm vaccine sởi trong tiêm chủng thường xuyên đã đạt 87,5%, trẻ tiêm vét đạt 87,1%, đặc biệt có 6 quận/ huyện đã đạt chỉ tiêu trên 95%. Hà Nội cũng đang nỗ lực phấn đấu sẽ đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi 95% trước ngày 25-4. Thành phố đặt quyết tâm khống chế không để dịch bùng phát thêm và hạn chế tới mức tối đa bệnh nhân tử vong do sởi.

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ rõ có 4 nguyên nhân khiến dịch sởi ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung trong vụ dịch năm nay, gồm: Nhiều trẻ không được tiêm vaccine; Bệnh nhân đổ dồn lên Bệnh viện Nhi Trung ương tạo thành ổ dịch lớn tại đây; Việc dồn bệnh nhân tập trung quá đông vào một vị trí làm gia tăng nguy cơ tử vong do lây nhiễm nhéo, nhiễm trùng bệnh viện; cuối cùng là khí hậu miền Bắc ẩm liên tục khiến cho các virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Theo dự báo của Bộ Y tế, đến tháng 6 tới mới giảm số ca mắc bệnh.