Sợ bị phạt, lao động hết hạn về nước tăng mạnh

ANTĐ - Bắt đầu từ 10-3, thời hạn miễn xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng đối với những lao động Việt Nam đang làm việc, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ kết thúc. Trong 2 tháng qua, sau khi Chính phủ gia hạn thời điểm xử phạt, rất đông lao động đang làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài đã chủ động về nước.
Sợ bị phạt, lao động hết hạn về nước tăng mạnh ảnh 1
Tình trạng lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp khiến xuất khẩu lao động Việt Nam
gặp khó khăn (Trong ảnh: Nghe phổ biến pháp luật trước khi xuất khẩu lao động)


Chuyển biến thấy rõ

Như ANTĐ đã phản ánh, thời gian qua, nhà nước đã triển khai một loạt giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt… nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), song hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Số lượng lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp phát tại 2 thị trường này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, với quy định xử phạt mới theo Nghị định 95/2013 của Chính phủ, mức xử phạt hành chính đối với những lao động cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại sau khi hết hạn hợp đồng lao động và hết hạn cư trú tăng lên đến 80-100 triệu đồng, tình trạng này đã bắt đầu diễn biến khả quan hơn. 

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thời hạn quy định ban đầu, từ 10-1-2014, mức xử phạt 80-100 triệu đồng sẽ được áp dụng với 3 nhóm đối tượng, gồm: lao động sau khi hết hạn hợp đồng ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại; bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng đã ký hoặc bỏ trốn ngay tại sân bay sau khi nhập cảnh; dụ dỗ lao động Việt Nam khác ở lại cư trú bất hợp pháp. Sau khi ban hành quy định này, nhiều lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài đăng ký về nước không ngừng gia tăng. 

Nhận thấy nhiều lao động có nguyện vọng về nước nhưng vì nhiều lý do không kịp về đúng hạn, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định lùi thời điểm bắt đầu xử phạt từ 10-1 đến 10-3-2014. Và trong 2 tháng gia hạn này, số lao động về nước tiếp tục tăng cao, có những địa phương số lao động về nước lên tới hàng trăm người. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo một số nguồn tin từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 2 tháng qua đã có gần 3.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Tại Đài Loan, trong tháng 12-2013 có 1.300 lao động Việt Nam đăng ký về nước.

Có hình phạt bổ sung

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là lần gia hạn thời điểm xử phạt hành chính với người lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài cuối cùng. Tất cả những lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc ở nước ngoài nhưng thuộc 1 trong 3 nhóm đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt theo Nghị định 95 nói trên, nếu về nước sau ngày 10-3 sẽ bị phạt hành chính từ 80-100 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2-5 năm. 

Ông Đào Công Hải cho biết, để xử phạt đúng và không bỏ sót đối tượng, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị cơ quan chức năng tại các nước có lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, lên danh sách các đối tượng, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia đó. Đại sứ quán sẽ ra quyết định xử phạt với từng người lao động vi phạm. Khi quyết định này gửi về nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ gửi về các địa phương và địa phương có người lao động bị xử phạt sẽ thực thi biện pháp xử phạt. Quyết định xử phạt được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã. Số tiền xử phạt này được chuyển vào kho bạc Nhà nước.

Hiện tại, có khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó, đông nhất là ở Hàn Quốc và Đài Loan, mỗi thị trường khoảng 15.000 người, kế đến là Malaysia khoảng 5.000 người, Nhật Bản khoảng 2.000 người... Tính riêng trong năm 2014, số lượng người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ hết hạn hợp đồng phải về nước là 3.594 người, 2 địa phương có số lượng lao động phải về nước nhiều nhất là Hà Nội (322 người) và Thanh Hóa (336 người). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, lý do khiến nhiều lao động sau khi hết hợp đồng không về nước mà bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại là do lo sợ khi về nước rồi không tiếp tục được quay trở lại làm việc. Mặt khác, mức lương ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan khá cao so với thu nhập của người lao động ở Việt Nam, chưa kể người lao động khi về nước khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thu nhập thiếu ổn định.